Có mặt tại Trung tâm thương mại Parkson Thái Hà (Hà Nội) chiều 18/5, đập vào mắt là quang cảnh đìu hiu. Nhiều gian hàng trốn trơn không có người thuê, một số gian hàng quây lại không mở bán, người mua thưa thớt, các quầy tính tiền vắng hoe.
So với 1 năm trước đây, rất nhiều gian hàng và thương hiệu lớn đã “tháo chạy” khỏi trung tâm thương mại này, đơn cử là Mango, Noir, Giordano… Trước đó, Parkson Thái Hà là một trong những địa điểm được đánh giá cao trong hệ thống Parkson Việt Nam.
Một khách hàng có thẻ thành viên thân thiết của Parkson Thái Hà cho biết, trong vòng 1 năm nay, Trung tâm vẫn thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mại như giảm giá tới 50%, tặng thêm thẻ mua sắm cho khách hàng có hóa đơn giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, tặng quà… Tuy nhiên, các trung tâm thương mại cao cấp khác cũng đều tung ra nhiều chương trình ưu đãi như vậy, nên Parkson Thái Hà gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Đó là chưa kể nhiều trung tâm thương mại khác trong hệ thống như Parkson Phạm Hùng (Hà Nội), Parkson Paragon (Sài Gòn)… đóng cửa, khiến người mua như chị càng e ngại.
Về phía doanh nghiệp, tuy đơn vị quản lý trung tâm thương mại Parkson Paragon là Công ty TNHH Thùy Dương chỉ ra thông cáo chung về việc đóng cửa mà không giải thích rõ lý do, nhưng thị trường đã mổ xẻ các báo cáo của Parkson Holdings Berhad (Malaysia) – Tập đoàn mẹ của Parkson Việt Nam – để tìm ra nguyên nhân sâu xa của thất bại này. Câu trả lời nằm ở những con số cho thấy hiệu quả kinh doanh sa sút của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình 5 năm hoạt động của Parkson Holdings Berhad, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn giai đoạn 2011-2015 đang đi xuống. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 triệu ringgit, năm 2012 ghi nhận 668 triệu ringgit, nhưng 2 năm sau đó, lợi nhuận giảm dần từ 434,9 triệu xuống 239 triệu ringgit. Riêng năm 2015 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2015), lợi nhuận sau thuế dừng ở con số khiêm tốn là trên 12 triệu ringgit.
Một chuyên gia về marketing có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia cho rằng, Parkson từ “người dẫn đầu” trở thành “kẻ thất bại” nguyên nhân xuất phát từ việc kém sáng tạo trong kinh doanh của Tập đoàn.
Cụ thể, từ những ngày đầu thâm nhập thị trường Việt Nam đến nay, Parkson gần như “bê” nguyên chiến lược phát triển của mình tại các nước Đông Nam Á để áp dụng tại đây. Đó là, mở các trung tâm thương mại cao cấp theo mô hình “one-stop shop” hướng đến nhóm khách hàng giàu có, thu nhập cao. Trong khi, các đối thủ của họ như Crescent Mall, Lotte, Aeon lại tập trung đầu tư khu tích hợp bao gồm vui chơi, rạp chiếu phim và ăn uống trong khu mua sắm, khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn, so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng như Parkson.
Các trung tâm thương mại trên đã tận dụng được “hiệu ứng đám đông” và tỷ lệ mua hàng tăng cao dần theo thời gian, khi nó đã trở thành thói quen của khách hàng khi mua sắm hay giải trí. Bên cạnh đó, ngoài nhóm khách hàng cao cấp, họ còn tạo ra nhiều phân khúc phục vụ, nhắm cả vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.
Trung thành với mô hình truyền thống, Parkson còn sai lầm khi có chiến lược mở rộng ra các vùng cận trung tâm, chẳng hạn như Parkson Phạm Hùng. Những khu vực này đòi hỏi phải có tốc độ phát triển từ 5-10 năm để đạt được mật độ dân cư gia tăng và sự đông đúc như các khu vực trung tâm. Trong khi đó, văn hóa mua sắm của người dân Việt Nam thích sự đông vui, tấp nập (thấy chỗ nào đông thì đánh giá cao) là rất phổ biến.
Câu chuyện thất bại của Parkson theo nhận định của ông Nguyễn Thành Nam, Cố vấn sáng tạo của Tập đoàn FPT, là không có gì quá khó hiểu.
“Văn hóa mua sắm của người dân Việt Nam là thích chợ và đông vui. Bởi vậy, nhất định các trung tâm thương mại muốn thành công phải tạo ra sự đông vui thực chất”, ông Nam nói.
Giai đoạn đầu gia nhập thị trường Việt Nam, Parkson thành công vì mới mẻ. Tuy nhiên, vì không có những ý tưởng sáng tạo, không có chiến lược liên tục làm mới mình, nên Parkson đã tụt hậu, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ mới gia nhập thị trường vẫn không ngừng gia tăng sức cạnh tranh và liên tục tạo ra nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn khách hàng.