Parkson Keangnam và “chợ” chứng khoán

Parkson Keangnam và “chợ” chứng khoán

(ĐTCK) Ngày đầu năm mới, tin tức kinh tế đáng chú ý nhất mang tên “Parkson Landmark Keangnam”, trung tâm thương mại khá lớn của Thủ đô tọa lạc ở tòa nhà cao nhất Việt Nam bất ngờ thông báo tạm thời dừng hoạt động.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đó là vắng khách, còn tại sao vắng khách thì muôn vàn lý do từ phương thức bán hàng, chất lượng dịch vụ, giá cả hàng hóa... Từ câu chuyện của Parkson, những câu chuyện về tình trạng của Lotte Mart, hay việc mới khai trương trở lại của Tràng Tiền Plaza, sự đông khách của các trung tâm thương mại do Vingroup quản lý… cũng được phân tích mổ xẻ.

Có một kết luận đáng chú ý đó là sự thành công trong hoạt động các “chợ” đều chỉ có một nguyên nhân: do người quản lý!

Nói câu chuyện của Parkson để nhìn về “chợ” chứng khoán Việt Nam. Về bản chất thì thị trường chứng khoán không phải là trung tâm thương mại, nhưng cách thức thu hút nhà đầu tư nội và ngoại tham gia mua bán cổ phiếu, thu hút các doanh nghiệp có chất lượng lên sàn để niêm yết cổ phiếu cũng có nét tương đồng.

Những ngày đầu năm mới, thông điệp cho thị trường chứng khoán 2015 đã được đưa ra, và trước đó là bản tổng kết dày về những gì đã làm được trong năm 2014 và kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra cho 2015.

Nhà đầu tư nhìn thấy gì ở đó?

Đưa hàng hóa có chất lượng lên sàn đã được nêu như một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Điều này được hiểu là nhà đầu tư dù trong hay ngoài nước, có cơ hội mua được các “hàng hóa” tốt, đa dạng sự lựa chọn hơn. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề mới như phát triển quỹ ETF, quỹ bất động sản, các sản phẩm mới. Rồi nâng hạng thị trường, chứng khoán phái sinh, tái cấu trúc kinh doanh chứng khoán…

Tức là rất nhiều việc. Tất nhiên, từ kế hoạch tới triển khai còn là một bước dài, để có thể nhìn nhận đúng hơn chất lượng triển khai các công việc này thì cần phải chờ phản hồi từ thực tiễn.

Một câu hỏi được đặt ra, nhà quản lý làm những việc đó thì có đảm bảo thu hút thêm được nhà đầu tư giúp giao dịch sôi động hơn không?

Đây chính là câu chuyện thời sự của các trung tâm thương mại tại Hà Nội hay TP.HCM như vừa đề cập phía trên. Chắc hẳn khi khai trương, các ông chủ ngoại của Parkson cũng tính nhiều rồi, nhưng…

Với thị trường chứng khoán, để hấp dẫn nhà đầu tư thì giải pháp nằm ở chính những đề xuất của nhà đầu tư, mà đôi khi bị coi là thứ yếu hoặc chưa được triển khai trên thực tế. Đề xuất có thể rất lớn và khó như nới room, phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Hoặc như thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân, rút ngắn thời gian giao dịch T+, chống lũng đoạn và thao túng giá chứng khoán…

Nhưng đề xuất đôi khi cũng chỉ rất nhỏ là hiển thị đầy đủ khối lượng mua và bán của khối ngoại trên bảng điện tử của HOSE, cung cấp chi tiết giao dịch tự doanh và margin các công ty chứng khoán hàng ngày…

Giống như một người đi vào trung tâm thương mại, cái họ quan tâm đầu tiên không phải là mua gì, giá bao nhiêu mà là gửi xe ở đâu, gần hay xa, thái độ của ông trông xe như thế nào?

Tin bài liên quan