Đồng euro giảm 0,4% so với đồng USD sau khi các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra tại Paris ngày thứ Sáu (13/11) vừa qua. Các vụ tấn công này đã làm gia tăng lo ngại về biến động địa chính trị tác động tới thị trường tài chính cũng như sự tự tin của người tiêu dùng.
Tại châu Á, bên cạnh ảnh hưởng từ tâm lý bất an sau khi Paris bị tấn công, thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm khi giới chức nước này tiếp tục siết chặt quy định cho vay mua cổ phiếu.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2% sau khi cả 2 sàn Thẩm Quyến và Thượng Hải kiểm tra hoạt động cho vay ký quỹ.
Chỉ số MSCI Asian Pacific giảm 1% lúc 11h55 tại Hong Kong, trong khi chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 1%, sau khi các số liệu kinh tế được công bố cho thấy GDP của quốc gia này giảm 0,8% trong quý III/2015.
Phần lớn các thị trường chứng khoán trên toàn cầu có phản ứng tiêu cực sau thông tin từ Paris. Theo đó, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,8%; chỉ số CAC của Pháp giảm 2,3% ngay khi mở cửa.
Diễn biến của chỉ số S&P 500 và Euro Stoxx 50
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc Paris bị tấn công có tác động mạnh tới các thị trường tài chính bởi đây là thời điểm khá nhạy cảm: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rục rịch nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006, Nhật Bản công bố các số liệu kinh tế quan trọng cho thấy nền kinh tế nước này dường như đang bước vào suy thoái, Trung Quốc cũng đang vật lộn với việc nền kinh tế giảm tốc và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang cân nhắc kéo dài các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
"Phần lớn các thị trường chứng khoán trên toàn cầu có phản ứng tiêu cực sau thông tin từ Paris"
Việc giới đầu tư cảm thấy bất an khiến tính trú ẩn an toàn của vàng trở nên hấp dẫn hơn. Kim loại quý này đã phục hồi một nửa đà giảm trong 4 phiên gần đây, với việc giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên mức 1.093,30 USD/ounce. Như vậy, vàng đã hồi phục trở lại từ mức đáy 1.074,25 USD/ounce trong phiên giao dịch thứ Năm (12/11), mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010.
Giá dầu thô cũng tăng 0,8% lên mức 41,08 USD/thùng tại New York nhờ mối lo ngại về bất ổn địa chính trị cùng với thông tin sản lượng đầu ra của Syria xuống dưới mức 25.000 thùng/ngày trong tháng Năm, thấp hơn mức trung bình hơn 400.000 thùng/ngày từ năm 2008 tới 2010, theo ước tính của IEA. Syria là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai tại OPEC sau Ả Rập Xê út.