Quang cảnh Lễ công bố. Ảnh nguồn: Quảng Ninh Portal
Buổi lễ do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Theo kết quả công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, tỉnh Quảng Ninh được xếp trong nhóm cao nhất của cả nước. Xếp hạng theo điểm số, năm 2020 tỉnh Quảng Ninh xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc với tổng điểm số là 48,88. Các vị trí tiếp theo lần lượt là các tỉnh Đồng Tháp và Thái Nguyên.
Qua chấm điểm 8 nội dung chỉ số PAPI năm 2020, Quảng Ninh có 7/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó có 3 nội dung đạt điểm số dẫn đầu toàn quốc gồm: Công khai minh bạch (6,5 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,29 điểm); cung ứng dịch vụ công (7,71 điểm). Kết quả này là sự phản ánh khách quan về các giải pháp đồng bộ mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Bản Đồ PAPI Việt Nam năm 2020 - Quảng Ninh thuộc nhóm các tỉnh có điểm số cao nhất toàn quốc. |
Năm 2019, Quảng Ninh cũng được xếp trong nhóm cao nhất của cả nước và đứng thứ 3/63 tỉnh thành và có 5/8 nội dung được xếp ở nhóm có điểm số cao nhất cả nước gồm: Tham gia của người dân ở cơ sở; công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường.
Trước đó, năm 2018, cùng với Đồng Tháp, Quảng Ninh cũng không được xếp hạng chỉ số PAPI vì không có dữ liệu. Còn năm 2017 ghi nhận sự thăng hạng vượt bậc của Quảng Ninh – tăng đến 30 bậc so với băm 2016 và xếp vị trí thứ 32/63 tỉnh thành.
Chỉ số PAPI được đánh giá dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương để đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh. Chỉ số này được đánh giá thông qua 8 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI năm 2020 khảo sát 14.732 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và đánh giá của người dân thể hiện qua các trục nội dung của chỉ số PAPI sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.