PAP tiếp tục dồn lực giải phóng mặt bằng "siêu" dự án Cảng Phước An, báo lỗ 1,1 tỷ đồng nửa đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ một năm qua, Công ty cố phần Dầu khí đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) đã giải ngân thêm 1.300 tỷ đồng, chủ yếu cho mục đích giải phóng mặt bằng. Dự án trên thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép đang có những bước chuyển đáng chú ý.

Công ty cố phần Dầu khí đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với khoản lỗ hơn 73 triệu đồng trong quý II, đưa khoản lỗ ròng nửa đầu năm tăng lên 1,1 tỷ đồng. Với đặc thù của một doanh nghiệp dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, kết quả kinh doanh các năm qua của PAP đều phụ thuộc vào từ các khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Doanh thu tài chính đã giảm mạnh trong các quý gần đây, trong khi các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp dù đã tiết giảm nhưng vẫn vượt mức thu vào dẫn đến các kỳ kinh doanh thua lỗ liên tiếp. Dù vậy, khoản lỗ lũy kế đến ngày 30/6 (hơn 1,9 tỷ đồng) vẫn chưa đáng kể so với quy mô vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Là tân binh vừa chào sàn UPCoM hồi trung tuần tháng 7, PAP đã được biết đến nhiều trước đây khi là chủ đầu tư của một dự án cảng quy mô “khủng” của tỉnh Đồng Nai, gồm khu cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần (dự án Cảng Phước An). Từ mức 440 tỷ đồng khi thành lập năm 2008, vốn điều lệ của công ty đã tăng hơn 3 lần qua ba lần tăng vốn đều thông qua chào bán riêng lẻ cho Công ty TNHH Hoành Sơn vào năm 2016 (tăng 460 tỷ đồng), 2017 (tăng 200 tỷ đồng) và 2021 (tăng 200 tỷ đồng).

Cũng từ các lần tăng vốn này, Hoành Sơn – một doanh nghiệp có tiếng ở Hà Tĩnh do ông Phạm Hoành Sơn thành lập từ năm 2001 đã trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 44%. PVN hiện chỉ còn nắm 23,33% vốn. Vị trí chủ tịch HĐQT của PAP nhiều năm nay cũng do ông Phạm Hoành Sơn đảm nhận.

Dù liên tục tăng vốn, nguồn vốn tăng thêm của PAP các năm trước chủ yếu chỉ để… gửi ngân hàng. Tuy nhiên, từ quý II/2020, hoạt động giải ngân cho dự án đã ghi nhận những biến chuyển mới. Chỉ trong vòng một năm qua, PAP đã giải ngân thêm 1.300 tỷ đồng, qua đó tăng giá trị khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang từ khoảng 240 tỷ đồng lên 1.516,5 tỷ đồng. Trong đó, công ty này đã dành ra 1.388 tỷ đồng chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, tăng thêm 290 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, riêng khoản tiền bồi thường cho 490 ha khu dịch vụ hậu cần đã chuyển cho huyện Nhơn Trạch cuối năm 2020 là 1.219 tỷ đồng trên tổng cộng 1.369 tỷ đồng kinh phí.

Công tác giải phóng mặt bằng cho diện tích đất trên cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm của PAP năm qua. Cùng đó, công ty còn đặt mục tiêu triển khai các thủ tục thành lập khu công nghiệp – dịch vụ hậu cần cảng thay vì chỉ là khu dịch vụ hậu cần như quy hoạch ban đầu.

Các khoản đầu tư dở dang vào dự án Cảng Phước An của PAP
Các khoản đầu tư dở dang vào dự án Cảng Phước An của PAP

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi lần 1 tại ngày 14/11/2017, dự án có tổng vốn đầu tư 17. 571 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện sẽ chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Dự án cũng được chia thành ba phân kỳ. Trong đó, phân kỳ I (2017-2020) yêu cầu vốn đầu tư 1.589 tỷ đồng, công ty góp 238 tỷ đồng, phân kỳ II (2019-2022) yêu cầu 7.914 tỷ đồng vốn đầu tư và phân kỳ III (2021-2024) có tổng vốn đầu tư 8.068 tỷ đồng.

Ở thời điểm hiện tại, phân kỳ I của dự án với 8,8 ha đất khu cảng (1 cầu cảng) và 8,6 ha khu dịch vụ hậu cần vẫn chưa hoàn thành. Đại diện công ty cho biết công ty phải giãn tiến độ đầu tư để phù hợp tiến độ đầu tư tuyến đường ra Cảng Phước An. Đây là tuyến đường kết nối duy nhất vào dự án. Việc đầu tư tuyến đường vào cảng cũng là tồn tại của dự án này nhiều năm qua, khiến dự án dù đã nhận giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành.

Sở giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT với tiến độ dự án được phê duyệt là giai đoạn 2021-2023. Do tập trung nguồn lực vào dự án cảng, phía PAP cho biết sẽ không tham gia đầu tư vào dự án tuyến đừng nhưng sẽ phối hợp với nhà đầu tư sau này để lập hồ sơ quyết toán thu hồi các chi phí đã đầu tư.

Dự án Cảng Phước An là một dự án đầy tham vọng với tổng diện tích của dự án lên tới 733,4 ha. Cùng đó, dự án có vị trí đắc địa khi nằm ở thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép và cách không xa dự án sân bay Long Thành cũng thuộc tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu trong lần làm việc với huyện Nhơn Trạch cuối năm 2020, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cảng Phước An tương lai sẽ trở thành khu kinh tế đối ngoại của tỉnh. Cùng với sân bay Long Thành, cảng Phước An sẽ là trung tâm logistics, nơi xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đem lại nguồn thu lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu, khu vực này còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, trong đó có dịch vụ, du lịch và các dự án đô thị cảnh quan.

Tuy vậy, vấn đề thời gian sẽ là một trở ngại cần được tính đến khi các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào PAP thông qua việc sở hữu cổ phiếu của công ty. PAP lên sàn UPCoM từ ngày 14/7 nhưng phải tới hai phiên gần đây mới ghi nhận giao dịch chuyển nhượng với khối lượng cổ phiếu sang tay là 222.900 đơn vị (19/7) và 57.100 đơn vị (20/7). Giá cổ phiếu hiện ở mức 11.300 đồng, tương đương mức vốn hóa thị trường 16.950 tỷ đồng. Công ty hiện chưa tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vì lý do dịch bệnh.

Tin bài liên quan