Vừa qua, CTCP PAN Farm – đơn vị do Tập đoàn PAN sở hữu 82% vốn, đã hoàn tất chào mua công khai cổ phần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) nâng tỷ lệ sở hữu lên 34,17%. Với thành công trong đợt chào mua công khai lần này của PAN Farm, tổng tỷ lệ sở hữu của Công ty cổ phầnTập đoàn PAN (The PAN Group) tại FMC đạt 54,4%.
Như vậy, sau khi chia tay CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG), FMC – doanh nghiệp với sản phẩm chủ lực về tôm xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, đã chính thức gia nhập ‘đại gia đình’ của Tập đoàn PAN.
Vươn ‘cánh tay’ sang ngành tôm
Thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam năm vừa qua đang cho thấy những tin hiệu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, tiếp tục tăng trưởng 22%. Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
Trong khi đó, FMC là doanh nghiệp thuộc top 3 các đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất và là công ty nuôi trồng chế biến tôm hiệu quả nhất của Việt Nam với 21 năm đặt nền tảng vững chắc ở 2 thị trường lớn là Nhật Bản và Hoa Kỳ; đồng thời nắm thị phần tương đối ở EU, Hàn Quốc.
FMC hiện có nhà máy chế biến nông sản, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nhật Bản và năm 2015 đã đưa thêm nhà máy chế biến tôm đông lạnh vào hoạt động, tăng công suất chế biến thêm 60%.
Đối với vùng nguyên liệu, FMC có diện tích nuôi tôm riêng rộng 160 hecta, đạt chuẩn BAP, ASC. Đồng thời, Công ty cũng hợp tác nông dân tăng sản lượng nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu do đó FMC có thể được coi là doanh nghiệp tôm hiếm hoi trên thị trường Việt Nam tập trung phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sạch.
Tại Việt Nam, FMC chiếm khoảng 1,73% thị phần trong số doanh nghiệp xuất khẩu vào năm 2015, con số này tăng lên 1,89% trong năm 2016.Năm tài chính 2016 - 2017, FMC đạt doanh thu thuần tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lãi ròng đạt tăng trưởng 29% và vượt hơn 22% kế hoạch năm. EPS cả năm đạt 4.038 đồng.
Sau khi về với gia đình PAN, Thực phẩm Sao Ta cùng với XNK Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) sẽ là đơn vị quan trọng trong ngành chế biến thủy sản của tập đoàn.
Hiện nay, ABT đang là “quân bài” chính của PAN trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm cá tra, nghêu đa dạng, xâm nhập các thị trường khó tính và các khách hàng cao cấp tại EU, Nhật,…Tương tự FMC, XNK Thủy sản Bến Tre là một trong số ít doanh nghiệp có thể tự chủ hoàn toàn con giống và nguyên liệu.
Năm 2017, ABT đạt doanh thu thuần 384 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31,9 tỷ đồng.. Riêng trong quý IV, nhờ giá bán cá tra tăng, ABT báo lãi quý IV tăng 52% cùng kỳ.
Theo báo cáo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), sự hợp tác giữa FMC và ABT có thể tạo ra sức mạnh kết hợp chẳng hạn như hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản, tận dụng vùng nuôi, tận dụng hệ thống khách hàng….
Bước đi vững chắc với chiến lược M&A
Được thành lập từ năm 1998, CTCP Tập đoàn PAN (tiền thân là CTCP Xuyên Thái Bình Dương) hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2013, công ty đã thực hiện một nước đi “lột xác” thay đổi về hoạt động kinh doanh cũng như định hướng tương lai: từ bỏ mảng dịch vụ vệ sinh và tập trung vào con đường nông nghiệp thực phẩm.
Cùng với việc bán 80% vốn tại CTCP PAN Service (đơn vị hoạt động trong linh vực vệ sinh) cho đối tác Nhật, giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 20%, Tập đoàn PAN cũng đẩy mạnh đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản.
Giai đoạn từ 2013- 2015 và năm sau đó, tập đoàn tích cực mua cổ phần và nâng sở hữu chi phối tại CTCP Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC) -nắm 75% vốn, Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩuLong An (LAF, LAFooco) - nắm 80,52% vốn, Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) - giữ 72,82% vốn, Công ty CP Thủy Sản 584 Nha Trang - nắm 32% vốn, Công ty CP Bibica - nắm 50,07% vốn… Bên cạnh đó, PAN cũng thành lập CTCP PAN Saladbowl – doanh nghiệp ươm trồng và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sản phẩm hoa cúc và hoa cẩm chướng.
Bằng chiến lược đẩy mạnh M&A với các doanh nghiệp đầu ngành, đến nay tầm ảnh hưởng của PAN đã mở rộng và “cắm rễ” trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, bám sát định hướng và tầm nhìn của ban lãnh đạo với những sản phẩm xuất hiện ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu quốc tế, dần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F Farm – Food – Family.
Ở mảng nông nghiệp, với đầu mối là CTCP PAN FARM hiện sở hữu 75% vốn NSC và 64,9% PAN Saladbowl và mới đây là FMC với 34,17% vốn.
Hiện nay, NSC đã trở thành một trong những doanh nghiệp cung ứng giống cấy trồng lớn nhất Việt Nam với đa dạng chủng loại giống lúa, ngô, rau đậu… Theo số liệu 2016, NSC chiếm 25% thị phần giống lúa và 27% thị phần ngô giống tại Bắc và Trung Bộ,công ty con Giống cây trồng miền Nam (HOSE: SSC) chiếm khoảng 10% thị phần. NSC phần đầu năm 2021 sẽ nắm 30% thị phần giống cây trồng cả nước, trọng tâm chi phối Đồng bằng sông Hồng và mở rộng các thị trường khác.
Trong khi đó, PAN Saladbowl cũng có được những bước đầu thành công khi xuất khẩu hoa cúc và cẩm chướng sang thị trường Nhật và được hưởng ứng tích cực, đây cũng là doanh nghiệp duy nhất duy nhất ngành trồng hoa đạt Global GAP và chứng nhận khoa học công nghệ.
Trong mảng thực phẩm với đầu mối là CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food) hiện đang sở hữu 5 công ty thành viên gồm LAF, ABT, Chế biến Thực phẩm PAN, Bibica và Thủy sản 584 Nha Trang.
Sản phẩm hạt điều của LAF là thương hiệu nổi tiếng được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Úc và Trung Đông, đưa Lafooco trở thành 1 trong 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hạt điểu của Việt Nam.
Ở mảng bánh kẹo, Bibica hiện là doanh nghiệp bánh kẹo Việt nắm thị phần lớn nhất cả nước chiếm lĩnh8% thị trường mang về doanh thu trên một ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, ABT cùng với FMC sẽ bộ đôi giúp tập đoàntham gia trên cả hai trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là tôm và cá tra, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tham gia sâu vào thị trường thủy sản.
Những kết quả bước đầu
Năm 2017, cả tập đoàn PAN, ghi nhận kết quả khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận lần lượt vượt 32% và 95% kế hoạch cả năm, tiếp tục góp phần vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của The PAN Group 5 năm gần đây ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân lần lượt 71% và 44%.
Đà tăng vượt bậc được ghi nhận ở cả 2 lĩnh vực mũi nhọn là Nông nghiệp và Thực phẩm. Trong đó, doanh thu PAN Food hợp nhất vượt 93% kế hoạch, doanh thu PAN Farm hợp nhất tăng trưởng 15%.Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với FMC, tập đoàn hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, trong những năm tới.
Đến cuối 2017, tổng tài sản của PAN cũng tăng trưởng mạnh gấp 16 lần so với thời điểm năm 2012 lên mức 5.999 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang có hơn 1.118 tỷ đồng tiền cùng hơn 512 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chiếm 53% tài sản ngắn hạn.
Năm 2017 cũng là năm thứ 3 liên tiếp PAN góp mặt trong bảng xếp hạng FAST500 với thứ hạng được cải thiện rõ rệt (đứng ở vị trí thứ 91 năm 2015, thứ 47 năm 2016 và vươn lên thứ 6 vào năm 2017).