Dây chuyền sản xuất tôm tại Sao Ta (Fimex)- doanh nghiệp PAN Group và công ty có liên quan đang nắm trên 50% vốn (Ảnh: PAN).
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group, HoSE: PAN) vừa công bố Nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của PAN Group trước đợt phát hành lần này xấp xỉ 2,164 tỷ đồng, tương ứng 216,4 triệu cổ phần; trong đó, có gần 7,5 triệu cổ phiếu quỹ.
Tập đoàn này dự tính phát hành thêm tối đa 235,83 triệu cổ phần, nghĩa là lớn hơn vốn điều lệ hiện tại. Tổng giá trị chào bán dự kiến theo mệnh giá là 2,358 tỷ đồng và vốn điều lệ sẽ tăng lên 4,522 tỷ đồng.
Theo đó, cơ cấu phát hành gồm tối đa 86,54 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (theo tỷ lệ 5:2); gần 108,18 triệu cổ phần cháo bán thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 15.000 đồng/cổ phần và tối đa 41,1 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ.
Với tối đa 41,1 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ, giá sẽ không thấp hơn 90% bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết và trong mọi trường hợp không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phần theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Giá bán cụ thể do HĐQT quyết định. Lượng cổ phiếu này sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu.
Dự kiến, thời gian PAN Group thực hiện đợt phát hành tăng vốn điều lệ nêu trên sẽ diễn ra trong năm 2022 hoặc thời hạn khác theo quyết định của HĐQT, ngay sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Việc phát hành có thể thực hiện thành nhiều đợt theo quyết định của HĐQT.
Có 6 phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành lần này.
Thứ nhất, dùng để đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên hoạt động có hiệu quả, nâng cao lợi ích tổng thể cho Tập đoàn.
Thứ hai, đầu tư M&A các công ty mới theo 5 tiêu chí gồm công ty trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, có hệ thống quản trị nội bộ minh bạch, đạt hiệu quả kinh doanh tốt hoặc có triển vọng phát triển cao trong vòng 5 - 10 năm tới, có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển chung trong chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm mà PAN Group đang xây dựng và hướng tới mục tiêu sở hữu chi phối.
Thứ ba, là đầu tư ngắn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư, có lãi suất cố định trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ, tối ưu hóa nguồn vốn cho Tập đoàn.
Thứ tư là góp vốn/tăng vốn cho các công ty thành viên, phục vụ mục đích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thủy sản, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, nông nghiệp.
Thứ năm là hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các công ty thành viên, phục vụ sản xuất, mở rộng kinh doanh (cho vay ngắn hạn nội bộ, hỗ trợ vốn lưu động).
Và cuối cùng, nguồn vốn thu được sẽ dùng để tái cơ cấu khoản vay, bổ sung vốn lưu động.