“Dự báo cơ bản của chúng tôi là giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu sẽ giảm trong năm nay, giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm ở hạ nguồn”, báo cáo của Oxford Economics cho biết.
Động lực chính đằng sau sự sụt giảm giá lương thực hàng hóa là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.
Vụ thu hoạch bội thu trong những tháng gần đây đối với cả hai loại cây trồng chủ lực này đã khiến giá liên tục giảm. Theo dữ liệu của FactSet, hợp đồng tương lai lúa mì đã giảm gần 10% từ đầu năm đến nay, trong khi giá ngô giảm khoảng 6%.
Nông dân ở các nơi đã tăng cường sản xuất cả lúa mì và ngô sau khi giá cao hơn bởi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào đầu năm 2022.
Do đó, vụ thu hoạch ngô toàn cầu cho vụ mùa theo năm kết thúc vào tháng 8/2024 có thể sẽ đạt mức kỷ lục. Báo cáo của Oxford Economics cho biết, thu hoạch lúa mì cũng được dự báo sẽ đạt mức cao, mặc dù thấp hơn một chút so với mức kỷ lục trong năm 2022 đến 2023.
Bên cạnh đó, áp lực nguồn cung ngũ cốc ở Nga và Ukraine cũng đã giảm bớt.
Nhà kinh tế trưởng Kiran Ahmed của Oxford Economics cho biết, bất chấp sự sụp đổ của sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023, xuất khẩu nông sản của Ukraine vẫn tăng trưởng tốt. Xuất khẩu lúa mì của Nga cũng tràn ngập thị trường quốc tế, khiến giá lúa mì duy trì ở mức thấp.
Lúa mì và ngô, cùng với gạo, chiếm hơn một nửa lượng calo toàn cầu. Điều đó có nghĩa là diễn biến của giá hàng hóa này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách thực phẩm của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Mặc dù giá lúa mì và ngô giảm mạnh, nhưng giá gạo vẫn tăng đều đặn do nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ - quốc gia chiếm khoảng 40% sản lượng gạo thế giới. Vụ thu hoạch kém ở nước này trong năm ngoái cũng đẩy giá gạo lên cao hơn. Trái ngược với sự sụt giảm của giá lúa mì và ngô, hợp đồng tương lai giá gạo đã tăng hơn 8% từ đầu năm đến nay.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực toàn cầu đã giảm 9% vào năm 2023. Tương tự, chỉ số giá lương thực toàn cầu của cơ quan lương thực Liên hợp quốc đã chạm mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng 2, nhưng đã phục hồi nhẹ trong tháng 3 nhờ sự gia tăng của các sản phẩm sữa, thịt và dầu thực vật.
“Chúng tôi dự đoán giá lương thực sẽ giảm thêm 5,6% trong năm nay trước khi tăng trở lại vào năm tới”, nhà kinh tế trưởng Kiran Ahmed cho biết.
Oxford Economics cũng lưu ý, rủi ro đối với dự báo giá thực phẩm của cơ quan này vẫn “hoàn toàn nghiêng về phía tăng giá”, với điều kiện thời tiết bất lợi có thể xảy ra.
Thời tiết xấu đã làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp nông nghiệp và triển vọng mùa màng, với ca cao gần đây tăng vọt lên mức kỷ lục khi nông dân Tây Phi phải chật vật với thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh. Nếu điều kiện thời tiết xấu kéo dài, triển vọng thu hoạch có thể bị suy giảm ở các vùng trồng cây trồng quan trọng khác.
Trong khi đó, người mua ở châu Phi và châu Á cũng đã ngừng mua lúa mì với kỳ vọng giá thậm chí còn thấp hơn - và việc họ quay trở lại thị trường có thể thúc đẩy sự phục hồi về giá. Ngoài ra, giá gạo vẫn ở mức cao cũng có thể khuyến khích Ấn Độ áp dụng nhiều hạn chế xuất khẩu hơn.
“Do đó, mặc dù kịch bản cơ bản của chúng tôi là giá thực phẩm vẫn ở mức thấp trong năm nay, nhưng rủi ro đang gia tăng là giá có thể phục hồi mạnh hơn dự đoán. Điều này có thể khiến lạm phát giá thực phẩm cao hơn so với trường hợp cơ bản của chúng tôi, duy trì áp lực lên người tiêu dùng”, nhà kinh tế trưởng Kiran Ahmed cho biết.