Trong năm 2013, ORS đã tiến hành cắt giảm hơn 40% lao động, xuống còn 25 nhân sự, tinh gọn mạng lưới hoạt động, đóng cửa Chi nhánh Hà Nội và ORS Tân Bình để giảm chi phí. ORS cũng đàm phán giảm bớt chi phí tiền thuê mặt bằng còn khoảng một nửa so với trước đây. Bằng những biện pháp tích cực, ORS đã giảm chi phí hoạt động xuống mức thấp nhất trong bối cảnh thị trường khó khăn để tiếp tục tái cơ cấu và tiến tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, minh bạch.
Dự kiến, chi phí hoạt động của ORS năm nay chỉ bằng khoảng 60% so với cả năm trước. Điều quan trọng nhất đối với ORS vào giai đoạn này chính là minh bạch thông tin để mang lại sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Chủ trương của ORS trong năm qua cũng muốn tìm đối tác để hợp nhất, sáp nhập, nhưng cuối cùng, HĐQT đã quyết định tự tái cơ cấu để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Vậy điều gì đã giúp ORS có thể trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn?
Thị trường chứng khoán những năm qua sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các CTCK. Nhưng ORS vẫn còn một khoản thặng dư tiền mặt khoảng 50 tỷ đồng và thị phần khách hàng môi giới, tư vấn sẵn có. Lợi thế của ORS là ngay từ khi đi vào hoạt động là Công ty đã liên kết để mở tài khoản cho NĐT trực tiếp tại DongA Bank và OCB. Vì thế, tiền của NĐT tại ORS do ngân hàng quản lý trực tiếp, đảm bảo an toàn.
Về mảng tự doanh của ORS, các cổ phiếu OTC trong danh mục đầu tư đều có tính thanh khoản cao. Nếu muốn, ORS có thể bán được bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, chưa cần thiết bán các cổ phiếu trong danh mục đang nắm giữ. ORS kỳ vọng, trong một hai năm tới, khi thị trường cổ phiếu hồi phục, nhất là cổ phiếu lĩnh vực tài chính - ngân hàng, với khả năng cao sẽ hồi phục, mang lại cơ hội để bán ra, thu hồi vốn.
Tình hình tài chính ORS hiện nay ra sao và Công ty đã trích lập dự phòng thế nào?
Từ cuối năm 2011 đến năm 2012, ORS hoạt động có lãi, nhưng do trước đó Công ty lỗ nên lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 là 95 tỷ đồng. Trong năm 2013, Công ty đã tiến hành trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư, phải thu chậm thanh toán phát sinh trước đây, nhằm đảm bảo tính minh bạch theo luật định. Vì thế, lỗ lũy kế có thể sẽ tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự minh bạch trong kinh doanh đã và sẽ là tiêu chí mà ORS đặt lên hàng đầu, nhằm duy trì sự lành mạnh của Công ty, giúp cho quá trình tái cơ cấu đạt được hiệu quả mong muốn. Qua đó, thu hút thêm khách hàng, NĐT cùng đồng hành với ORS trong giai đoạn phải cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Ông có thể chia sẻ về chiến lược và mục tiêu phát triển của ORS trong năm 2014 này?
Mục tiêu của ORS trong năm 2014 là hướng đến việc định vị 3 giá trị đối với khách hàng, đối tác, gồm: sự tin cậy; hiện đại trong các kênh phục vụ; nhanh nhạy trong việc nắm bắt các cơ hội, thời cơ trong kinh doanh.
Để thực hiện được các mục tiêu này, chúng tôi đã kiên quyết làm sạch sổ sách của Công ty. Đồng thời, trong năm 2014, ORS sẽ đẩy mạnh việc hiện đại hóa trong giao dịch chứng khoán cho NĐT, nhằm nâng cao sự chuyên nghiệp, qua đó sẽ tiết giảm được nhiều chi phí trong hoạt động. Với tỷ lệ giao dịch qua internet của ORS hiện nay chiếm khoảng 40%, chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy lên trên 60% trong năm nay và cao hơn nữa, đó là nhờ ORS đã có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ, đường truyền.
Trong năm 2014, ORS sẽ tập trung mạnh vào mảng kinh doanh nào, thưa ông?
Sau giai đoạn sắp xếp lại bộ máy, ORS tập trung đẩy mạnh môi giới, tư vấn doanh nghiệp. Đây được xem là mảng hoạt động xương sống trong chiến lược phát triển của ORS. ORS đã có sự chuẩn bị về đội ngũ nhân sự có tính chuyên nghiệp cao trong tư vấn và môi giới để tăng thị phần môi giới. Trong quá trình tái cơ cấu, ORS phải tinh gọn bộ máy, nhưng chủ trương của ORS là phải đa năng, đa nhiệm, một người có thể làm được nhiều việc khác nhau. Qua đó, Công ty có thể giảm được chi phí, nhưng không mất đi các chức năng, công năng vốn có.