Theo đó, OPEC+ sẽ không tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn nhằm khôi phục dần dần 2,2 triệu thùng/ngày sẽ vẫn được duy trì và được lùi lại đến tháng 12/2025.
Nhà phân tích Norbert Ruecker của Julius Baer cho biết, việc trì hoãn không làm thay đổi nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường đối với OPEC.
"Nhu cầu đang trì trệ một phần, sản lượng tăng ở châu Mỹ… Thị trường dầu mỏ có khả năng sẽ hướng đến tình trạng dư cung vào năm tới", ông cho biết.
Việc OPEC xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng diễn ra sau khi dữ liệu kinh tế ảm đạm từ những những nước tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ khiến giá dầu xuống dưới 73 USD/thùng vào đầu tuần này, là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023. Sự sụt giảm này giúp người tiêu dùng bớt lo lắng sau nhiều năm lạm phát gia tăng, nhưng vấn đề giá quá thấp lại khiến Ả Rập Xê Út và các nước khác trong liên minh không đủ khả năng chi trả cho chi tiêu của chính phủ.
Với một số thành viên mong muốn tăng nguồn cung, OPEC+ đã nhất trí vào tháng 6 về lộ trình khôi phục dần nguồn cung đã được ngừng kể từ năm 2022 để hỗ trợ giá dầu. Một sự gián đoạn sản lượng lớn ở Libya dường như đã tạo điều kiện cho OPEC+ có không gian để tiếp tục tăng sản lượng, nhưng thay vào đó, họ đã chọn thận trọng.
"OPEC+ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc trì hoãn việc cắt giảm sản lượng và chịu sự sụt giảm giá dầu thô… Có vẻ như họ đã chọn phương án trước", Bob McNally, Chủ tịch của công ty tư vấn Rapidan Energy Group và là cựu quan chức Nhà Trắng cho biết.
Trong khi đó, việc giá dầu ở mức quanh 73 USD/thùng sẽ giúp các ngân hàng trung ương giảm bớt căng thẳng khi họ nới lỏng lãi suất và thậm chí có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của Mỹ.
Việc trì hoãn tăng sản lượng có thể ngăn chặn tình trạng thặng dư mà các nhà quan sát thị trường nổi tiếng như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và công ty thương mại hàng hóa Trafigura Group dự báo trong quý IV. Ngược lại, Citigroup đã cảnh báo rằng, việc tăng sản lượng có thể khiến giá giảm xuống còn 50 USD/thùng.
Nhưng quyết định trì hoãn có thể chỉ hoãn thách thức đối với OPEC sang năm sau.
Theo IEA, thặng dư toàn cầu sẽ tăng vào năm 2025 khi mức tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu vẫn ở mức thấp, trong khi sản lượng từ Mỹ, Guyana, Brazil và Canada vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một trong những nhà sản xuất lớn nhất - rất muốn triển khai các khoản đầu tư gần đây vào công suất mới mà nước này cho biết đã đạt tới mức đáng kể là 4,85 triệu thùng/ngày. Con số này chiếm khoảng 5% nguồn cung của thế giới.
Lá bài ẩn của Libya
Vào đầu tuần này, các đại biểu OPEC+ đã ra tín hiệu rằng đợt tăng sản lượng theo lịch trình vẫn đang đi đúng hướng.
Sản lượng tại quốc gia thành viên Libya đã giảm một nửa vào tuần trước sau khi chính quyền khu vực phía đông đóng cửa hơn 500.000 thùng/ngày trong cuộc xung đột về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương. Sự gián đoạn này xảy ra sau khi mỏ dầu lớn nhất của Libya, Sharara, ngừng hoạt động vào đầu tháng 8.
Nhưng vào đầu tuần này, thống đốc ngân hàng trung ương Libya cho biết có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các phe phái chính trị đang tiến gần đến một thỏa thuận để vượt qua bế tắc hiện tại.
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đang chững lại, với hoạt động của nhà máy giảm trong tháng thứ tư và giá trị bán nhà mới giảm. Hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp.
Cũng gây sức ép lên giá là cuộc đấu tranh của OPEC+ với việc tuân thủ hạn ngạch. Iraq, Nga và Kazakhstan đã chậm trễ trong việc thực hiện phần hạn chế của mình khi họ tìm cách tối đa hóa doanh thu. Bộ ba này đã cam kết sẽ thực hiện thêm các biện pháp hạn chế để bù đắp cho sản lượng vượt mức trước đó.