OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì sự chủ động trước những bất ổn của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì sự chủ động trước những bất ổn mà thị trường phải đối mặt.
OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì sự chủ động trước những bất ổn của thị trường

“Thị trường đã phải chịu một số cú sốc nghiêm trọng và nếu không có cách tiếp cận chủ động và các bước đi phủ đầu mà OPEC+ áp dụng, những cú sốc này sẽ tạo ra sự tàn phá trên thị trường dầu mỏ”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 20/12.

Các thị trường dầu mỏ đã trải qua một đợt biến động mạnh trong năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Khi giá dầu thô tăng vọt lên ba con số, nhiều chính trị gia đã lo lắng về mức cao của giá dầu và yêu cầu các nhà sản xuất dầu mỏ thực hiện các biện pháp nhằm hạ giá.

Vào tháng 10, OPEC+ cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng do dự đoán thị trường sẽ dư cung trong quý IV/2022 và sang năm 2023. Động thái đó khiến Mỹ tức giận, mặc dù căng thẳng đã dịu bớt.

Hoàng tử Abdulaziz cho biết: “Chúng tôi loại bỏ chính trị ra khỏi quá trình ra quyết định, đánh giá và dự báo của chúng tôi, và chúng tôi chỉ tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của thị trường”.

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 35% kể từ đầu tháng 6 xuống còn 80 USD/thùng do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Tín hiệu mà OPEC+ muốn gửi tới thị trường là họ sẵn sàng cắt giảm nếu cần. OPEC+ thực sự lo lắng về nhu cầu giảm trong năm tới sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung một lần nữa”, Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights cho biết sau các bình luận của Hoàng tử Abdulaziz.

Trong khi đó, OPEC+ có thể tìm cách bảo vệ giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng.

“Có lẽ khi giá đạt đến những mức đó, chúng ta có thể mong đợi họ bắt đầu nói chuyện trở lại. Họ sẽ vẫn ở chế độ chờ và theo dõi trong thời điểm hiện tại vì có những bất ổn lớn liên quan đến nhu cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại”, bà Vandana Hari cho biết.

Tin bài liên quan