Trong Báo cáo hàng tháng về triển vọng nhu cầu dầu, OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu trung bình là 100,8 triệu thùng/ngày vào năm 2022, nhích nhẹ so với 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra.
Trong báo cáo, OPEC cho biết đang nâng dự báo nhu cầu năm 2022 lên 900.000 thùng/ngày, đồng thời giảm nhẹ ước tính trong 3 tháng cuối năm nay. Theo OPEC, tiêu thụ dầu sẽ tăng 4,15 triệu thùng/ngày vào năm tới sau khi tăng 6 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Dự báo là bằng chứng cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh trong đại dịch.
Dự báo của OPEC xuất hiện ngay khi các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11.
Theo dự báo của OPEC, doanh số bán ô tô điện đã tăng mạnh và đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng đáng ngạc nhiên trong thời kỳ đại dịch, nhưng sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bù đắp cho chi phí đầu tư đó.
Trung Quốc dự kiến sẽ tiêu thụ gần 15 triệu thùng dầu/ngày vào năm tới, nhiều hơn 1,5 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ vào năm 2019.
OPEC cho biết đại dịch đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh khoảng 9 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, tương đương khoảng 9%. Mức tiêu thụ dầu đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta đang lan rộng nhanh chóng đã làm hãm nhu cầu dầu. Do đó, OPEC dự kiến nhu cầu dầu phục hồi được dự báo trước đó trong năm nay sẽ bị hoãn lại cho đến năm 2022.
“Tốc độ phục hồi nhu cầu dầu hiện được cho là sẽ mạnh hơn và chủ yếu diễn ra vào năm 2022”, OPEC cho biết.
Bên cạnh sự phục hồi kinh tế ổn định từ những cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, “sự cải thiện về tỷ lệ tiêm chủng và sự gia tăng tiềm năng trong niềm tin của công chúng vào việc kiểm soát Covid-19 được dự đoán sẽ phổ biến hơn vào năm 2022, hỗ trợ thêm cho sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ, đặc biệt là nhiên liệu giao thông vận tải”, OPEC cho biết.
Helge André Martinsen, nhà phân tích thị trường dầu cấp cao tại DNB Markets cho biết: “Một khi dân số các nền kinh tế thực hiện tiêm chủng trên một ngưỡng nhất định và tránh được tình trạng phong toả, mọi người sẽ sẵn sàng di chuyển trên đường và vận động nhiều hơn bất chấp số ca nhiễm biến thể Delta vẫn ở mức cao. Điều này sẽ thúc đẩy các thị trường mới nổi vào năm tới để chúng ta có thể dễ dàng thấy nhu cầu dầu trở lại mức trước đại dịch”.
Dự báo của báo cáo về nhu cầu dầu tăng cao được đưa ra khi giá năng lượng tăng cao ở châu Âu cho thấy ngay cả một số quốc gia giàu có nhất thế giới vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng tái tạo.
Francisco Blanch, Chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America cho biết, mùa đông lạnh giá đặc biệt trong năm nay có thể khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm từ 1 - 2 triệu thùng/ngày và có thể kéo giá dầu Brent lên 100 USD/thùng trong nửa đầu năm 2022.