Theo báo cáo hàng tháng, OPEC cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm nay sẽ tăng 1,38 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 90.000 thùng/ngày so với báo cáo hồi tháng 7 vừa qua.
Tổ chức này cũng dự báo trong năm 2016, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng 1,34 triệu thùng/ngày do tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được cho là sẽ đạt 3,5% - tăng 0,3% so với mức tăng 3,2% của năm nay.
Giá dầu thế giới đã giảm 60% trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2015 khi xuống mức thấp 45 USD/thùng.
Một phần nguyên nhân là do sự bùng nổ việc sản xuất dầu từ đá phiến ở Mỹ khiến nguồn cung dồi dào và OPEC - tổ chức thường bảo vệ giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng khi cần thiết - đã bất ngờ thay đổi chiến lược hồi tháng 11/2014 theo đó không cắt giảm sản lượng.
Trong cuộc họp hồi tháng 6, OPEC đã quyết định duy trì sản lượng ở mức cũ 30 triệu thùng dầu/ngày.
Ngày 10/8, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này sẽ gây "tác động đáng kể" đối với thị trường dầu mỏ thế giới năm 2016.
WB dự báo việc Iran trở lại thị trường dầu mỏ thế giới cũng sẽ cung cấp ra toàn cầu thêm 1 triệu thùng/ngày khiến giá giảm 10 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ thế giới bị lung lay trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm và nước này vừa điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.
Trong khi đó, kỳ vọng chung về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong năm 2015 có được cải thiện nhưng vẫn đi đôi với việc nền kinh tế trong khu vực phát triển "không chắc chắn," đặc biệt là vấn đề Hy Lạp.