OPEC+ không đạt được thoả thuận tăng sản lượng và cuộc họp sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) OPEC+ đã kết thúc cuộc họp hôm thứ Sáu (2/7) mà không có thoả thuận nào được thông qua do sự phản đối của một thành viên chủ chốt đã đe dọa sự thống nhất của liên minh. Cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày thứ Hai (5/7).
OPEC+ không đạt được thoả thuận tăng sản lượng và cuộc họp sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới

Các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) muốn tăng gấp đôi về số sản lượng dầu vào thị trường so với thoả thuận được đề xuất (tăng 400.000 thùng mỗi tháng)

Sự bế tắc này có nguy cơ làm đảo lộn các thoả thuận hợp tác đối với sự phục hồi của giá dầu sau đại dịch cũng như các quốc gia tiêu dùng lo lắng về tác động của giá dầu cao hơn. Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc giá xăng tăng khi giá dầu lên tới 75 USD/thùng.

Nếu OPEC+ không đồng ý về việc tăng sản lượng, điều này có khả năng khiến giá dầu thô tăng mạnh. Nhưng kịch bản ngược lại cũng đang diễn ra, nếu sự thống nhất hoàn toàn bị phá vỡ, một nền tảng cung cấp dầu tự do có thể xảy ra tương tự như cuộc chiến giá cả giữa các đồng minh của OPEC+ vào năm ngoái.

Chiến lược gia Amrita Sen của công ty tư vấn Energy Aspects ở London cho biết: “Sự bế tắc hiện tại là một dấu hiệu rõ ràng cho ý định của UAE: họ có nhiệm vụ rõ ràng là nâng cao sản lượng và muốn gây ảnh hưởng rộng lớn hơn”.

UAE đã đưa ra ý tưởng rời OPEC vào cuối năm 2020 vì họ muốn bơm thêm dầu để tận dụng hàng tỷ đô la đầu tư mà họ đã thực hiện để mở rộng công suất. Cuộc đấu khẩu gay gắt trong tuần này và việc các đại biểu UAE từ chối nhượng bộ cho thấy căng thẳng sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó, hầu hết các thành viên OPEC+ ủng hộ đề xuất tăng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8 và đẩy lùi thời hạn của thỏa thuận tăng sản lượng nhiều hơn vào cuối năm 2022.

Nhưng UAE đang tìm cách thay đổi cách tính hạn ngạch vì điều mà họ cho là không công bằng. UAE cho biết, sẽ không ủng hộ số lượng sản lượng tăng thêm được đề xuất trừ khi các đồng minh khác đồng ý thay đổi cách tính hạn ngạch, một động thái cho phép UAE bơm thêm 700.000 thùng dầu mỗi ngày.

Mặt khác, các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết, họ tin rằng OPEC+ vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận.

“UAE có thể đang đàm phán nhưng không có đủ can đảm để mạo hiểm tất cả cho đến phút cuối cùng. Họ sẽ muốn tránh phá hoại thỏa thuận OPEC+ và có khả năng đổ lỗi cho việc tăng giá dầu làm tăng lạm phát toàn cầu”, các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết hôm thứ Sáu (2/7) và lưu ý rằng, mối quan hệ của UAE với các công ty năng lượng châu Á có thể bị ảnh hưởng nếu giá dầu tiếp tục tăng.

“Mặc dù việc UAE rút khỏi OPEC là điều có khả năng xảy ra, nhưng một quyết định như vậy sẽ gây ngạc nhiên, vì một động thái như vậy sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của Abu Dhabi với Riyadh. Do đó, thỏa hiệp dường như là kết quả dễ xảy ra nhất”, các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết cho biết thêm.

Các nhà phân tích dự kiến ​​OPEC+ sẽ tăng nguồn cung thêm khoảng 500.000 thùng/ngày từ tháng tới, cao hơn một chút so với đề xuất tăng 400.000 thùng được báo cáo.

Giá dầu phục hồi

Giá dầu thô đã tăng khoảng 50% trong năm nay do nhu cầu phục hồi vượt xa sự hồi sinh của nguồn cung OPEC+. Kỷ luật của OPEC đã dẫn đến sự thay đổi thị trường sau cuộc chiến giá cả vào đầu năm 2020.

Bob McNally, Chủ tịch Rapidan Energy và cũng là một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết: “Câu hỏi đặt ra là liệu OPEC+ có còn gắn kết và hiệu quả trong năm tới hay không. Và điều đó phụ thuộc nhiều vào các nhà lãnh đạo của Ả Rập Xê Út, UAE và Nga có tìm ra một thỏa hiệp có thể chấp nhận được đối với đề xuất của UAE hay không”.

Bên cạnh đó, triển vọng khả quan đối với giá dầu cũng được đưa ra khi cả ba cơ quan dự báo giá dầu chính của thế giới là OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều kỳ vọng sự phục hồi của giá dầu do nhu cầu sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, sự lan rộng của biến thể delta Covid-19 trên toàn thế giới đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sự suy giảm đối với nhu cầu dầu. Gần đây nhất, các biện pháp phong toả được gia hạn và chi phí gia tăng đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng nhà máy ở Trung Quốc chậm hơn.

Tin bài liên quan