OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay và sẽ xem xét liệu có nên tiếp tục chính sách này hay không trong cuộc họp sắp tới diễn ra vào ngày 1/6. Giá dầu đã tăng vọt trong tháng 4 do lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu, làm dấy lên đồn đoán rằng OPEC+ có thể khôi phục sản lượng để xoa dịu thị trường.
Nhưng phần lớn các nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát dự đoán rằng OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng và có thể gia hạn đến cuối năm nay.
Richard Bronze, nhà phân tích tại Energy Aspects cho biết: “OPEC+ sẽ muốn thấy bằng chứng về tình trạng thắt chặt kéo dài trên thị trường dầu mỏ trước khi bắt đầu bổ sung nguồn cung, vì vậy rất có thể họ sẽ quyết định gia hạn”.
Giá dầu đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 6 tuần về gần 84 USD/thùng khi thị trường phớt lờ tác động của xung đột giữa Iran và Israel, trong khi triển vọng thị trường ảm đạm trong bối cảnh tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc và nguồn cung dầu thô dồi dào từ Mỹ, Brazil và Guyana.
Việc giá dầu sụt giảm có thể mang lại sự nhẹ nhõm cho người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương đang đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, đó là mối lo ngại của nhiều quốc gia trong số 22 quốc gia thuộc liên minh OPEC+.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng Ả Rập Xê Út cần mức giá gần 100 USD/thùng khi Thái tử Mohammed bin Salman chi tiêu mạnh tay cho các thành phố tương lai và những vận động viên thể thao hàng đầu.
Áp lực giá
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu OPEC+ nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, thị trường dầu thế giới có thể quay trở lại tình trạng dư thừa và làm tăng thêm áp lực lên giá cả. Giám đốc tài chính Shell Plc, Sinead Gorman mới đây cũng cho biết rằng bức tranh nguồn cung sẽ chỉ thắt chặt hơn nếu OPEC+ tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng.
Ban thư ký của OPEC đã cam kết trong một báo cáo rằng tổ chức này sẽ giám sát chặt chẽ thị trường dầu mỏ trong những tháng hè tới để phát hiện các dấu hiệu thắt chặt. Đây là một sự thay đổi trong giọng điệu mà một số nhà quan sát xem là tín hiệu sẵn sàng bổ sung sản lượng. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út và Mỹ đang đàm phán riêng về một hiệp ước an ninh, và nếu được hoàn tất, hiệp ước có thể khuyến khích Ả Rập Xê Út áp dụng chính sách dầu mỏ phù hợp hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước công chúng, đôi khi còn đưa ra những quyết định bất ngờ nhằm trừng phạt những đối tượng đầu cơ. Một số đại biểu của OPEC+ nói riêng rằng còn quá sớm để đưa ra quan điểm.
Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan Chase cho biết: “Chúng ta đang ở điểm bùng phát trên thị trường dầu mỏ, là nơi có nhu cầu mạnh mẽ để tăng thêm sản lượng…Nhưng đây là một hành động cân bằng - có trường hợp cần thêm sản lượng và cũng có trường hợp không cần thiết”.
Tính tuân thủ của cam kết
Sự chia rẽ nội bộ có thể cản trở sự đồng thuận.
Trong khi Ả Rập Xê Út thường chủ trương thận trọng khi bổ sung nguồn cung vào thị trường thì nước láng giềng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đôi khi lại có quan điểm trái ngược nhau.
UAE đối mặt với ít áp lực tài chính hơn và sẵn sàng triển khai các khoản đầu tư mới vào năng lực sản xuất. UAE hiện đang nắm giữ hơn 1 triệu thùng/ngày nguồn cung nhàn rỗi và nguyên nhân được cho là do phải tuân thủ hạn ngạch của OPEC+ đưa ra.
OPEC+ cũng sẽ cần phải xem xét liệu tất cả các quốc gia thành viên có tuân thủ cam kết của mình hay không.
Iraq và Kazakhstan đã thừa nhận đã bơm vượt quá giới hạn đã thỏa thuận vài trăm nghìn thùng và mặc dù họ đã cam kết sẽ cắt giảm thêm sản lượng nhưng lại có kết quả không ổn định về quá trình giao hàng.
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đã cho phép Nga thực hiện phần cắt giảm sản lượng trong quý I thông qua việc cắt giảm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế. Và Nga đã cam kết sẽ tăng cường đóng góp bằng cách tập trung nhiều hơn vào việc cắt giảm sản lượng dầu thô.
Tuy nhiên, OPEC+ đã nhiều lần chứng minh kể từ khi thành lập liên minh 7 năm trước rằng, khi đối mặt với rủi ro chung về giá cả sụt giảm, tổ chức này có thể vượt qua sự chia rẽ và hoạt động hiệu quả. Một thị trường mong manh có thể một lần nữa buộc tổ chức phải kiên trì với các biện pháp hạn chế nguồn cung và thực hiện công việc cung cấp nguồn cung tốt hơn.
Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới PVM Oil Associates Ltd. cho biết: “Liên minh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đi đúng hướng…Bất cứ điều gì khác có thể sẽ dẫn đến một đợt bán tháo”.