Cuộc họp chính sách sắp tới của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/6 để xem xét quyết định hạn chế sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa nguồn cung và hỗ trợ giá dầu thô.
Các quốc gia thuộc liên minh OPEC+ đã hạn chế sản lượng cung cấp ra thị trường để bù đắp cho sản lượng dồi dào của Mỹ và triển vọng kinh tế mong manh ở Trung Quốc cũng như các nơi khác.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại công ty tình báo thị trường Kpler cho biết việc chuyển cuộc họp sang hình thức trực tuyến là “dấu hiệu rõ ràng nhất về việc gia hạn” hạn ngạch hiện tại.
Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng các thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục thực hiện việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đã được thỏa thuận vào tháng 11/2023.
Giá dầu Brent đang ở gần mức thấp nhất trong ba tháng và đang giao dịch ở mức quanh 81 USD/thùng.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết: “Việc giá dầu không giữ được mức giá 90 USD/thùng - mức giá quan trọng đối với hầu hết các nhà sản xuất OPEC+ dẫn tới việc gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại vào cuộc họp tháng 6 sẽ là kết quả có thể xảy ra nhất”.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng Ả Rập Xê Út cần giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng để trang trải cho các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của mình.
Bên cạnh quyết định có nên gia hạn cắt giảm sản lượng hay không, OPEC+ cũng đang xem xét năng lực sản xuất của các quốc gia thành viên. Kết quả có thể sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu riêng biệt của các quốc gia trong năm 2025.
Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Sự phát triển kinh tế vĩ mô đã không cung cấp được sự hỗ trợ có ý nghĩa cho giá dầu vì tồn tại những vấn đề riêng cần giải quyết”, đồng thời chỉ ra rằng Nga đã sản xuất nhiều hơn hạn ngạch trong tháng 4 trong khi cam kết cắt giảm sản lượng cùng với các thành viên OPEC+ khác.