Ảnh Internet
Khách hàng châu Á tìm tới Mỹ
Các nhà chế xuất dầu mỏ tại châu Á, khu vực nhập khẩu dầu quan trọng bậc nhất, đang tìm tới nguồn dầu nguyên liệu đầu vào tại Mỹ, thay vì OPEC do sản lượng duy trì ở mức thấp và giá cả khó đoán định. Nhân viên tại ít nhất 4 khu chế xuất dầu châu Á cho biết, họ đang cân nhắc mua dầu thô từ Mỹ, với mức giá rẻ hơn, sản lượng ổn định hơn, theo Bloomberg.
Ả Rập Xê út cùng các quốc gia thành viên OPEC khác từ lâu đã có mối quan hệ thân thiết, là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chính cho các khách hàng tại châu Á. Tuy nhiên, việc giá dầu lao dốc cùng với biện pháp cắt giảm sản lượng mạnh tay đang khuyến khích nhóm khách hàng này tìm tới nguồn cung khác, trong đó nổi bật là các doanh nghiệp năng lượng Mỹ.
“Các nhà chế xuất cũng đang trong tình cảnh khó khăn. Trong khi đó, dầu Mỹ có vẻ hấp dẫn hơn nhờ giá thấp và chi phí vận chuyển hợp lý”, John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services Pte (Singapore) chia sẻ.
Cùng quan điểm, Serena Huang, chiến lược gia cấp cao tại hãng nghiên cứu thị trường Vortexa Ltd cho rằng, các nhà sản xuất dầu Mỹ đưa ra mức chiết khấu cao, nhất là khi so với một số loại dầu tiêu chuẩn như Brent và điều này thu hút sự chú ý của khách hàng từ Trung Quốc.
Sản lượng dầu xuất khẩu tới châu Á của Mỹ đang trong xu hướng tăng. Khoảng 49 triệu thùng dầu sẽ tới khu vực này trong tháng 7 tới, so với mức chỉ 27 triệu thùng trong tháng 5 và 6, theo số liệu của Vortexa Ltd.
Chưa kể, Rongsheng Petrochemical Co (Trung Quốc) đã mua ít nhất 2 triệu thùng dầu với chuyến hàng cập bến vào tháng 8 và 9/2020; các doanh nghiệp Hàn Quốc như GS Caltex Corp, SK Innovation Co cũng mua nhiều loại dầu từ các nhà sản xuất Mỹ trong hợp đồng tháng 9. Tương tự, Indian Oil Corp đã mua 12 triệu thùng dầu trong tháng 6 từ Mỹ và hàng sẽ cập bến trong năm tới.
Nhu cầu chưa thể hồi phục nhanh
Mục tiêu cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh là nhằm cân bằng cung - cầu trên thị trường, song nhu cầu lao dốc được đại dịch Covid-19 “tiếp sức”, khiến kỳ vọng của OPEC trở nên xa vời hơn.
Trên toàn cầu, động thái trở lại làm việc và sinh hoạt tiếp tục gặp trở ngại khi có dấu hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm quay trở lại. Mới đây nhất, Bắc Kinh đã phải hủy hàng loạt chuyến bay, trong khi tại nhiều quốc gia, đường bay quốc tế chưa thể hoạt động bình thường.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) có những đánh giá bi quan hơn về nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất vào tháng 6/2020, EIA ước tính nhu cầu năng lượng duy trì ở mức thấp hơn gần 4,5 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ trung bình trong quý IV/2019. Con số này cao gấp đôi dự báo được đưa ra trong tháng 5.
Tại Mỹ, thị trường tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, lượng vận chuyển dầu thấp hơn 20% so với mức trung bình cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ năng lượng tại hộ gia đình có tăng, nhưng không đủ đề bù đắp cho phần mất đi vì giao thông giảm sút, hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ.
Ngành giao thông vận tải, vốn chiếm khoảng 56% nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, sẽ khó có thể phục hồi theo hình chữ V.
Chẳng hạn, số lượng các chuyến bay thương mại trong tháng 6 đã tăng khoảng 54% so với mức thấp nhất của tháng 4, theo số liệu của FlightRadar, nhưng vẫn thấp hơn 60% so với đầu tháng 1/2020. Đường biên giới của nhiều quốc gia hiện vẫn đóng và các chuyến bay quốc tế bị tạm dừng hoạt động.