Theo đó, OPEC đồng ý nâng lượng dầu mà UAE có thể sản xuất như một phần của thỏa thuận rộng hơn với OPEC+ do Nga đứng đầu để tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa hiệp đạt được giữa OPEC và UAE là tạm thời và phải được thông qua tại cuộc họp chưa lên lịch trước OPEC+.
Tình trạng bế tắc về thỏa thuận nguồn cung của các thành viên OPEC bắt đầu vào đầu tháng 7 khi UAE từ chối kế hoạch về sản xuất dầu với các thành viên khác của OPEC.
UAE đã yêu cầu tăng mức cơ sở cho sản lượng dầu thô - mức tối đa mà OPEC công nhận có thể sản xuất - vì con số này sau đó được dùng để xác định mức cắt giảm sản lượng, cũng như hạn ngạch của mỗi nước tuỳ theo thỏa thuận sản lượng của các thành viên trong nhóm. Từ đó, các thành viên sẽ cắt giảm cùng một tỷ lệ phần trăm dựa trên mức cơ sở của họ. Do đó, nếu mức cơ sở cao hơn sẽ cho phép UAE có hạn ngạch sản xuất lớn hơn.
Ban đầu, UAE yêu cầu nâng mức cơ sở từ 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày. Theo các nguồn tin được Wall Street Journal trích dẫn, thỏa hiệp đạt được giữa OPEC và UAE sẽ nâng mức cơ sở của quốc gia Trung Đông này lên 3,65 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2022.
Tuy nhiên, các báo cáo vẫn chưa được xác nhận chính thức, OPEC và Bộ năng lượng Ả Rập Xê Út đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.
Trước đó, thỏa thuận ban đầu được hầu hết các đại biểu OPEC+ ủng hộ với kế hoạch để OPEC+ tăng sản lượng chung lên tới 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày hàng tháng cho đến cuối năm 2022. Điều này sẽ chấm dứt các hạn ngạch còn lại được đặt ra vào mùa Xuân năm 2020 khi kinh tế phục hồi và nhu cầu dầu ngày càng tăng đã đưa giá dầu thô lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Giá dầu WTI đã rơi xuống dưới 73 USD/thùng sau thông tin kho dự trữ xăng của Mỹ tăng trong tuần qua và theo dấu hiệu OPEC+ có thể đang ký một thỏa thuận thúc đẩy sản xuất sau khi các thành viên chính nối lại đàm phán.