Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 260.000 thùng/ngày xuống 100,03 triệu thùng/ngày với lý do tác động của việc các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 ở mức giảm 2,7 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dầu trung bình là 102,72 triệu thùng/ngày.
OPEC đã cắt giảm dự báo sản lượng dầu thô trong quý III/2022 là 1,24 triệu thùng/ngày xuống còn 28,27 triệu thùng/ngày.
Đánh giá của OPEC trái ngược với báo cáo hàng tháng mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA cho biết, các đợt nắng nóng vào mùa Hè của châu Âu và tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong khu vực khi Nga cắt giảm các sản lượng khí đốt đã khiến một số người tiêu dùng năng lượng chuyển từ khí đốt sang dầu.
IEA đã nâng dự báo tổng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 và 2023 thêm 500.000 thùng/ngày, lên lần lượt là 99,7 triệu thùng/ngày và 101,8 triệu thùng/ngày.
OPEC+ đã gây bất ngờ cho các nhà giao dịch tại cuộc họp ngày 3/8 với kế hoạch chỉ tăng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. OPEC+ giải thích động thái này bằng cách nói rằng họ phải triển khai năng lực sản xuất dự phòng "hạn chế nghiêm trọng" với sự "hết sức thận trọng".
OPEC cũng đã giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong quý III/2022 xuống 720.000 thùng/ngày và tăng dự báo nguồn cung ngoài OPEC thêm 520.000 thùng/ngày. OPEC+ dự kiến mức tiêu thụ trung bình là 99,93 triệu thùng/ngày trong quý III.
Vào năm 2023, dự báo tăng trưởng sản xuất ở các quốc gia ngoài OPEC vẫn không thay đổi ở mức tăng 1,7 triệu thùng/ngày và đạt trung bình 67,5 triệu thùng/ngày. OPEC cho biết, các động lực chính cho tăng trưởng vào năm 2023 dự kiến sẽ là Mỹ, Na Uy, Brazil, Canada và Guyana.
Báo cáo của OPEC cho biết: “Sự không chắc chắn về các khía cạnh hoạt động và tài chính của hoạt động sản xuất của Mỹ, cũng như tình hình địa chính trị ở Đông Âu vẫn ở mức cao”.