Ông Vương Đình Huệ: Cần có Ban chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) “Cần xem xét hoàn thiện thể chế quốc gia về chỉ đạo và quản lý hội nhập trong một Hội đồng (hoặc Ban chỉ đạo) Quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững…”, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội đề xuất.
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội

Sở dĩ cần có Ban chỉ đạo Quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, bởi theo ông Huệ là để tiết kiệm chi phí, tránh chồng lấn trong phối hợp, chỉ đạo và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên mọi cấp độ và lĩnh vực.

Ý kiến của ông Huệ được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp”, do Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức mới đây. Tại diễn đàn này, nhiều ý tưởng gợi mở về nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia, lẫn doanh nghiệp đã được nêu ra.

Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, cần dựa trên 4 yếu tố: nỗ lực của nhà nước; áp lực của hội nhập quốc tế; động lực của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp; cần phải huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế.

“Tôi rất tâm đắc đã nhận được nhiều ý kiến nêu ra là bên cạnh vai trò của Nhà nước phải nâng lên, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng lên về quản trị và sáng tạo phát triển. Chúng ta phải tạo cơ hội cho mọi doanh nghiệp cùng phát triển…”, ông Huệ nói.

Với ý nghĩa đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đòi hỏi có sự tham gia đồng bộ của cả nhà nước, doanh nghiệp, lẫn các nhà khoa học, các hiệp hội, tổ chức xã hội dưới sự chỉ đạo thống nhất và triển khai quyết liệt, có trọng điểm, nhất quán của Nhà nước.

Trong định hướng hoàn thiện chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, cần kết hợp hài hòa các yếu tố quốc tế với đặc thù quốc gia; sớm áp dụng các bộ tiêu chuẩn thông dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hoàn thiện theo các mức độ phù hợp với cam kết hội nhập trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký...

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cần được chú trọng trên các khía cạnh về công nghệ, vốn, quản trị, chất lượng và giá cả, năng lực đổi mới sản phẩm...

“Đặc biệt cần đề cao tính hành động thông qua một số chương trình quốc gia nhằm cụ thể hóa các nội dung quan trọng như: chương trình hoàn thiện các bộ chỉ số của Việt Nam; chương trình về phát triển thể chế và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh...”, ông Huệ nói.

Tin bài liên quan