Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc hội.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc hội.

Ông Vũ Tiến Lộc: Tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến dân bức xúc

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên tốt hơn thì đã không phải "tận thu" từ chính sách thuế. 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 24/5, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp (VCCI) đồng tình khi Chính phủ cố gắng cân bằng ngân sách trong điều hành chính sách tài khoá, tăng thêm các khoản thu từ bán tài sản công, cổ tức doanh nghiệp Nhà nước.

Song ông Lộc nêu, khi các nguồn lực này cạn kiệt thì chuyển sang tăng thu từ thuế. Giải pháp này sẽ tạo nên sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công kém hiệu quả hơn, không có lợi cho tăng trưởng về dài hạn. 

"Nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc", ông nói. 

Nghịch lý nữa, trong khi Bộ Tài chính ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm.

Môi trường kinh doanh cải thiện, tăng 14 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt cao nhất từ năm 2005, nhưng những chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như “một thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

"Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ, dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là nhiệm vụ làm thể chế", ông nhận xét.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI nhận xét, nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu không những không biến mất mà sẽ "biến tướng, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và đè nặng lên doanh nghiệp".

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng "Thể chế, thể chế và thể chế!”, vị đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, những điểm nghẽn trên chỉ được giải quyết nếu các bộ ngành thực sự là “kiến trúc sư trưởng” trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những “đốc công”.

Chính phủ cũng cần quan tâm hơn đến cải cách thể chế sâu rộng, mang tính hệ thống và dài hạn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng ấn tượng với những "con số biết nói" về kinh tế vĩ mô năm 2017 và đầu năm 2018. Những thành công này, theo ông Lộc, là bước đầu nhờ nhiều giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Ông minh chứng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam dù nói nhiều về cách mạng 4.0 nhưng nếu vẫn giữ tư duy cũ, không thay đổi chính sách giáo dục, khoa học công nghệ thì "lấy đâu ra sáng chế khoa học mới ứng dụng vào khởi nghiệp, sản xuất".

Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017 Chính phủ gửi tới Quốc hội trước đó, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch 4%); xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối là 63,5 tỷ USD.

GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận động lực tăng trưởng năm 2018 được dự báo "sẽ không tăng nhiều, mạnh như 2017".

Chia sẻ với báo chí chiều 24/5, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng nhận xét, mức tăng GDP quý I là 7,38% lại khiến cơ quan ngành kế hoạch "lo chứ không quá vui mừng".

Cũng theo vị này, động lực tăng trưởng năm 2018 "chưa thể có đột biến như 2017, thậm chí dự báo sẽ chùng xuống do yếu tố khách quan". "Phần tăng trưởng thêm năm nay sẽ không bằng 2017", ông Phương nói.

Tin bài liên quan