Trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao đối với các tàu của Mỹ đi qua Kênh đào Panama. Ông cũng tuyên bố rằng các hiệp ước cho phép Panama kiểm soát kênh đào ngay từ đầu nhưng cũng cho phép Mỹ lấy lại kênh đào.
“Các khoản phí mà Panama tính thật nực cười, đặc biệt là khi biết đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama… Nó không được trao tặng vì lợi ích của người khác, mà chỉ đơn thuần là một biểu tượng hợp tác với chúng tôi và Panama. Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý của cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama được trả lại cho chúng tôi, toàn bộ và không cần thắc mắc”, ông Trump tuyên bố.
Ông Trump cũng cảnh báo rằng, sẽ không để kênh đào rơi vào tay người khác, và ông dường như cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tuyến đường quan trọng này.
Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện của mình ở Mỹ Latinh trong hai thập kỷ qua, nhưng không có tổ chức thương mại hoặc chính phủ nào của Trung Quốc thực sự có vai trò trực tiếp trong việc quản lý luồng tàu thuyền qua tuyến đường thủy quan trọng này.
Kênh đào do một cơ quan chính phủ độc lập của Panama là Cơ quan quản lý kênh đào Panama (ACP) quản lý và Trung Quốc không có động thái công khai nào về việc mua kênh đào hoặc gia tăng dấu ấn của mình tại quốc gia này trong những tháng gần đây.
Được Mỹ hoàn thành vào năm 1914, Kênh đào Panama đã được trả lại Panama theo một thỏa thuận năm 1977 do cựu Tổng thống Jimmy Carter ký kết. Theo các điều khoản của các hiệp ước đó, Panama sẽ giành quyền kiểm soát kênh đào vào năm 1999 và Mỹ sẽ giữ lại quyền bảo vệ kênh đào khỏi mọi mối đe dọa đối với tính trung lập của kênh đào.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không tin rằng những điều khoản đó trong hiệp ước sẽ cho phép Mỹ giành lại quyền kiểm soát kênh đào một cách hợp pháp.
Ước tính có 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua Kênh đào Panama, cho phép các tàu thuyền di chuyển giữa châu Á và Bờ biển phía Đông của Mỹ có thể tránh được tuyến đường dài và nguy hiểm quanh mũi phía nam của Nam Mỹ.
Những quốc gia sử dụng chính của tuyến đường này là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cơ quan quản lý Kênh đào Panama đã báo cáo vào tháng 10 rằng tuyến đường thủy này đã đạt doanh thu kỷ lục gần 5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.