Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà trắng ngày 30/4, ông Trump đe dọa áp thuế mới với Trung Quốc khi nói có bằng chứng nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
"Chúng tôi đã ký một thỏa thuận thương mại, thống nhất họ sẽ mua những mặt hàng gì và thực tế là họ đã mua rất nhiều. Nhưng điều đó giờ trở thành thứ yếu so với những gì đã xảy ra với virus", Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 30/4. "Tình hình virus hiện giờ không thể chấp nhận được".
Khi được hỏi liệu ông đã thấy điều gì khiến ông tin tưởng nCoV bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán, Trump trả lời "tôi có" nhưng nói thêm rằng ông "không thể tiết lộ".
Lời đe dọa của ông Trump đã khiến giới đầu tư lo sợ kinh tế thế giới càng khó khăn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu đang diễn ra do ảnh hưởng của Covid-19, nên đồng loạt bán ra, đẩy phố Wall lao dốc trong phiên cuối tuần.
Ngoài ra, báo cáo kết quá kinh doanh đáng thất vọng của các tập đoàn lớn cũng góp phần kéo phố Wall giảm sâu trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Dow Jones giảm 622,03 điểm (-2,55%), xuống 23.723,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 81,72 điểm (-2,81%), xuống 2.830,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 284,60 điểm (-3,20%), xuống 8.604,95 điểm.
Phiên lao dốc cuối tuần đã lấy đi hết thành quả có được trong tuần qua của phố Wall, khiến cả 3 chỉ số chính của phố Wall có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần Dow Jones giảm 0,22%, S&P giảm 0,21% và Nasdaq giảm 0,34%.
Trong tháng 4, phố Wall đã có mức hồi phục rất mạnh, trong đó chỉ số S&P tăng mạnh nhất tháng kể từ 1987. Cụ thể, trong tháng 4, Dow Jones tăng 11,08%, S&P tăng 12,68% và Nasdaq tăng 15,45%, lấy lại hết những gì đã mất trong tháng 3.
Chứng khoán châu Âu và châu Á đa số cũng nghỉ lễ ngày lao động 1/5, tại châu Âu chỉ có chứng khoán Anh và châu Á là thị trường Nhật mở cửa và cả 2 thị trường này đều giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 138,15 điểm (-2,34%), xuống 5.763,06 điểm.
Do có thêm 1 phiên giao dịch và đúng phiên lao dốc, nên mức tăng trong tuần qua của FTSE 100 mất đi rất nhiều so với 2 chỉ số chính của chứng khoán Đức và Pháp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,19%, trong khi chỉ số DAX tăng 5,08% và CAC 40 tăng 4,07%. Cả 3 chỉ số này đều hồi trở lại sau tuần giảm trước đó.
Trong tháng 4, FTSE 100 tăng 4,04%, chỉ số DAX 30 tăng 4,03%, sau khi giảm 13,81% và 16,44% trong tháng 3, trong khi CAC 40 vẫn giảm 0,06% sau khi đã mất 17,21% tháng trước. Đây cũng là tháng giảm thứ 4 liên tiếp trong năm nay của chứng khoán Pháp.
Kết thúc phiên 1/5, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 574,34 điểm (-2,84%), xuống 19.619,35 điểm.
Tương tự, do có thêm phiên giao dịch thứ Sáu và giảm mạnh, nên đà tăng của chứng khoán Nhật Bản trong tuần qua cũng bị hao hụt đi khá nhiều, còn các thị trường còn lại duy trì đà tăng tốt, lấy lại hết những gì đã mất trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,86%, chỉ số Hang Seng tăng 3,41%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,84% và Kospi tăng 3,10%.
Trong tháng 4, chỉ số Nikkei 225 tăng 6,75%, chỉ số Hang Seng tăng 4,41%, Shanghai Composite tăng 3,99% và Kospi tăng mạnh 10,99%, lấy lại được gần hết những mất mát trong tháng 3.
Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng được nâng lên, qua đó giúp giá kim loại quý tăng tốt trong phiên cuối tuần, nhưng không thể giúp giá vàng tránh khỏi tuần điều chỉnh.
Kết thúc phiên 1/5, giá vàng giao tăng 17,8 USD (+1,04%), lên 1.702,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,7 USD (+0,40%), lên 1.700,9 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,54% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,00%, trong khi tuần trước có mức tăng lần lượt là 2,55% và 2,17%. Trong tháng 4, giá vàng tăng hơn 6% sau 2 tháng lình xình trước đó.
Diễn biến của giá vàng tuần qua trái ngược với kỳ vọng của các nhà phân tích, cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại, giới đầu tư và phân tích vẫn đánh giá cao hơn về khả năng tăng của giá vàng, dù con số kiêm tốn hơn so với tuần trước đó.
Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát có tới 9 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 60%, thấp hơn nhiều con số 80% của tuần trước, có 5 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 33%, cao hơn nhiều con số 7% của tuần trước và 1 người dự báo đi ngang, chiếm 7%.
Tương tự, trong 1.750 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 943 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 54%, thấp hơn con số 71% của tuần trước; 505 lượt dự báo giá giảm, chiếm 29%, cao hơn so với 19% của tuần trước và 302 lượt dự báo đi ngang, chiếm 17%.
Giá dầu thô tiếp tục phục hồi trong phiên cuối tuần, nhưng mức giảm đã thấp hơn rất nhiều so với trước đó và đầu phiên sau thông tin sản lượng của OPEC đạt mức kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19 được công bố.
Kết thúc phiên 1/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,94 USD (+4,75%), lên 19,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,08%), lên 25,29 USD/thùng.
Sau chuỗi tuần giảm mạnh liên tiếp, giá dầu thô đã hồi phục khá tốt trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 16,77% và giá dầu thô Brent tương lai tăng 17,96%. Trong tháng 4, giá loại nhiên liên này giảm lần lượt 3,42% và 4,02%, mức giảm được hạn chế đi rất nhiều nhờ 2 phiên khởi sắc cuối tháng 4 .