Ảnh AFP

Ảnh AFP

Ông Trump lại khiến giới đầu tư giật mình

(ĐTCK) Đang phản ứng tích cực với thông tin Mỹ - Trung bắt đầu đàm phán thương mại, giới đầu tư giật mình khi ông Trump đe dọa sẽ đóng cửa Chính phủ.

Sau phiên hồi phục may mắn đầu tuần nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Apple và nhóm cổ phiếu công nghệ, phố Wall tiếp tục mở cửa trong sắc xanh và duy trì đà tăng trong phần lớn thời gian của phiên sáng sau thông tin Mỹ - Trung đang đàm phán thương mại. Tuy nhiên, S&P 500 và Dow Jones sau đó đảo chiều khi khi Tổng thống Trump công khai tranh cãi với nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thương viện Chuck Shumer và lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Pel Peli về việc tài trợ cho bức tường ở biên giới Mexico, trong đó ông Trump đe dọa đóng cửa Chính phủ.

Trong khi đó, Nasdaq vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất trong phiên thứ 3 là nhóm cổ phiếu tiêu dùng quốc phòng với mức tăng 0,9%, các nhóm ngành khác chỉ tăng giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Dow Jones giảm 53,02 điểm (-0,22%), xuống 24.370,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,94 điểm (-0,04%), xuống 2.636,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 11,31 điểm (+0,16%), lên 7.036,83 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba từ mức thấp nhất 2 năm sau thông tin Bắc Kinh và Washington đang tiến hành đàm phán thương mại. Phiên tăng điểm hôm thứ Ba đã lấy đã vốn lẫn lãi của phiên giảm điểm đầu tuần do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chứng khoán châu Âu hồi phục bất chấp những rủi ro về chính trị khi BBC cho biết, các nhà lập pháp bảo thủ đang gửi một là thư để kích hoạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 85,40 điểm (+1,27%), lên 6.806,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 158,44 điểm (+1,49%), lên 10.780,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 63,82 điểm (+1,35%), lên 4.806,20 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm do giới đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, cũng như thận trọng trước sự không chắc chắn của đình chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, việc Bắc Kinh xác nhận đang đàm phán thương mại với Mỹ giúp chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đảo chiều tăng trở lại, nhưng mức tăng rất khiêm tốn khi nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng chờ kết quả đàm phán cũng như tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 11/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 71,48 điểm (-0,34%), xuống 21.148,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,51 điểm (+0,37%), lên 2.594,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 19,29 điểm (+0,07%), lên 25.771,67 điểm.

Trên thị trường vàng, những bất ổn về kinh tế toàn cầu giúp giá kim loại quý này tăng trở lại trong khi bước vào phiên thứ Ba, thậm chí có lúc đã lên gần ngưỡng 1.250 USD/ounce. Ngoài ra, việc đồng USD giảm cũng hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, về cuối phiên, đồng USD bất ngờ hồi phục với mức tăng 0,25% so với rổ tiền tệ khi đóng cửa khiến giá vàng quay đầu và tiếp tục có phiên giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 11/12, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD (-0,07%), xuống 1.242,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,8 USD/ounce (-0,15%), xuống 1.241,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 giảm 2,2 USD/ounce (-0,18%), xuống 1.247,2 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục trở lại sau phiên lao dốc đầu tuần nhờ sự cố ngừng sản xuất của Lybia.

Kết thúc phiên 11/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,65 USD (+1,27%), lên 51,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,23 USD (+0,38%), lên 50,20 USD/thùng.

Tin bài liên quan