Ông Trump dập tắt hy vọng về gói kích thích, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

Ông Trump dập tắt hy vọng về gói kích thích, giới đầu tư ồ ạt bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Phố Wall có phiên ngày thứ Ba (6/10) lao dốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dập tắt tia hy vọng mong manh cuối cùng về gói kích thích kinh tế mới.

Sau ba ngày điều trị tại bệnh viện, ông Trump trở lại Nhà Trắng làm việc vào chiều tối hôm thứ Hai (5/10). Và ngay ngày hôm sau, nhà lãnh đạo Mỹ đã chặt đứt đà tăng của thị trường chứng khoán bằng một tuyên bố trên trang twitter cá nhân rằng, ông sẽ ngừng đàm phán về gói kích thích tài chính mới cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11, đồng thời sẽ tập trung vào việc đưa luật sư Amy Coney Barrett lên Tòa án Tối cao.

Theo ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi yêu cầu 2.400 nghìn tỷ USD để chi cho các hoạt động mang lại hiệu quả kém và chỉ dành cho các bang Dân chủ, không hề dùng để đối phó dịch bệnh.

“Chúng tôi đưa ra một lời đề nghị rất hào phóng là 1.600 tỷ USD và như thường lệ bà ta không thương lượng một cách thiện chí. Tôi từ chối”, ông Trump viết.

Những lo ngại về việc quá trình phục hồi kinh tế có thể bị kéo chân cũng như tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng nếu không có một vòng hỗ trợ tài chính khác đè nặng tâm lý thị trường.

Cùng ngày, trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nhắc lại, nền kinh tế Mỹ cần được hỗ trợ nhiều hơn về tài khóa, dù vẫn đang phục hồi khá mạnh mẽ sau “thảm họa tự nhiên” Covid-19.

Về dữ liệu kinh tế, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng gần 6% trong tháng 8 lên mức 67,1 tỷ USD. Đây là con số thâm hụt cao thứ ba trong lịch sử, cho thấy các nhà xuất khẩu nước này vẫn còn chặng đường dài phải đi trên con đường khôi phục tất cả những gì đã mất vì đại dịch.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, khu vực tư nhân đã giảm tuyển dụng và tạo thêm việc làm mới trong trong tháng 8. Thị trường lao động Mỹ đang giảm nhiệt do đánh mất một số động lực trên quá trình phục hồi kinh tế.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Dow Jones giảm 375,88 điểm (-1,34%), xuống 27.772,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 47,66 điểm (-1,40%), xuống 3.360,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 177,88 điểm (-1,57%), xuống 11.154,60 điểm.

Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng trong phiên thứ tư liên tiếp với những hy vọng ngày càng cao về thoả thuận Brexit cũng như dữ liệu lạc quan từ nền kinh tế Đức.

Thị trường được thúc đẩy trước thông tin Anh và EU đã gần đạt được đồng thuận về quyền an sinh xã hội có đi có lại cho công dân của họ sau Brexit. Trong khi, đơn đặt hàng đối với hàng hóa sản xuất tại Đức tăng 4,5% trong tháng 8, cao hơn dự kiến, thúc đẩy hy vọng về một quý III phục hồi mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu sau cú sốc Covid-19.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7 điểm (+0,12%), lên 5.949,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 77,71 điểm (+0,61%), lên 12.906,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,59 điểm (+0,48%), lên 4.895,46 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á hôm qua được hỗ trợ bởi tin tức Tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng sau 3 ngày điều trị Covid-19. Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ khi hưởng lợi từ mức tăng hơn 2% của Nasdaq Composite đêm trước. Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch dịp Quốc Khánh.

Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 121,59 điểm (+0,52%), lên 23.433,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 212,97 điểm (+0,90%), lên 23.980,65 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 7,90 điểm (+0,34%), lên 2.365,90 điểm.

Giá vàng quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chịu sức ép mạnh mẽ bởi sự phục hồi của chỉ số đồng USD, đồng thời tâm lý lạc quan của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên trước đó cũng gây áp lực lên thị trường kim loại quý.

Kết thúc phiên 6/10, giá vàng giao ngay giảm 36,80 USD (-1,92%), xuống 1876,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 36,90 USD (-1,92%), xuống 1.881,7 USD/ounce.

Giá dầu tăng mạnh trước thông tin nguồn cung dự kiến ​​bị gián đoạn do một cơn bão đến gần Vịnh Mexico và cuộc đình công của công nhân dầu mỏ ở Na Uy.

Các công ty năng lượng đóng cửa các giàn khai thác dầu ngoài khơi khi hay tin cơn bão Delta mạnh lên cấp 2 và đang trên đường đến Vịnh Mexico vào thứ Năm. Đây sẽ là cơn bão thứ 10 đổ bộ vào Mỹ trong năm nay và sẽ phá vỡ kỷ lục có từ hơn một thế kỷ trước.

Kết thúc phiên 6/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,45USD (+3,70%), lên 40,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,36 USD (+3,29%), lên 42,65 USD/thùng.

Tin bài liên quan