Sau hơn một năm, kể từ khi bị người dùng tố bán lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác, kinh doanh của tập đoàn Khaisilk do ông Hoàng Khải làm chủ đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để phục vụ điều tra. Ông Hoàng Khải không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Khaisilk, phụ trách mảng kinh doanh lụa và sau này là hệ thống nhà hàng cao cấp... Từ đó, đế chế bất động sản của Khaisilk cũng đứng trước nhiều biến động.
Giữa tháng 12/2018, Tập đoàn Chloe Hospitality chính thức công bố nắm quyền sở hữu, quản lý, khai thác khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm từ tay Khaisilk. 2 "lâu đài" này tọa lạc ở vị trí đắc địa thuộc nhóm đất vàng của khu Phú Mỹ Hưng, tại số 2 - 6 Phan Văn Chương, quận 7 (TP HCM) và là hai biểu tượng đình đám một thời của Khaisilk tại Sài Gòn.
TajmaSago Castle - Hotel & Resort tọa lạc bên bờ hồ Bán Nguyệt, là lâu đài trắng được lấy cảm hứng từ đền Taj Mahal ở Ấn Độ, từng được Khaisilk công bố trị giá 15 triệu USD. Còn nhà hàng Cham Charm có kiến trúc cổ mang dáng dấp đền Angkok Wat, là một trong những nhà hàng đẹp nhất thuộc chuỗi các nhà hàng triệu đô của doanh nhân Hoàng Khải, chi phí xây dựng từng được doanh nghiệp này công bố là 11 triệu USD.
Tuy nhiên, việc Chloe Hospitality công bố tiếp quản hai bất động sản này cho đến khi hết thời hạn thuê từ Khaisilk và kỳ vọng có thể tái tục quyền thuê với chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng (chủ sở hữu thật sự), đã hé lộ khối tài sản từng được Khaisilk công bố sở hữu thực chất chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".
Cụ thể, Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm đều là hai dự án do Phú Mỹ Hưng là chủ sở hữu. Nhà phát triển bất động sản đình đám phía Nam Sài Gòn đã tiến hành xây dựng phần thô và cho thuê. Khaisilk là khách thuê có thời hạn (dài hạn), được quyền thiết kế nội thất, bài trí cảnh quan để khai thác kinh doanh trong thời hạn thuê, nhưng không phải là chủ sở hữu của bất động sản.
Ming Dynasty, nhà hàng trị giá triệu USD mô phỏng cung điện triều đình nhà Minh (Trung Quốc) từng được quảng bá là tài sản của Khaisilk, nằm trên đường Nguyễn Khắc Viện, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM cũng không thuộc sở hữu của Khaisilk. Đây là tài sản thuê dài hạn của Phú Mỹ Hưng, tương tự như hai dự án TajmaSago và Cham Charm.
Như vậy, ba "lâu đài" đình đám tại khu Nam Sài Gòn, một thời từng là đế chế bất động sản phục vụ khách thượng lưu của Khaisilk trong ngành nhà hàng khách sạn, thực chất chỉ là tài sản sở hữu tạm thời trong khoảng thời gian thuê.
Riêng trung tâm thương mại và giải trí Sài Gòn Paragon, tọa lạc trên phố Nguyễn Lương Bằng, được mệnh danh là trục đường đẹp nhất Phú Mỹ Hưng lại có lai lịch khác với các tòa lâu đài Khaisilk vừa chuyển quyền sở hữu.
Phần đất của cao ốc Sài Gòn Paragon thuộc quyền sử dụng, quản lý của Phú Mỹ Hưng, Khaisilk thuê đất dài hạn và xây công trình trên đất. Doanh nhân Hoàng Khải đã cho thiết kế tòa nhà theo phong cách cổ điển châu Âu với số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD, khai trương vào tháng 7/2009.
Đây là một trong những bất động sản vẫn còn khai thác tốt của Khaisilk, ngoại trừ giai đoạn Parkson Paragon rút khỏi đây vì kinh doanh ế ẩm. Theo dữ liệu văn phòng và mặt bằng cho thuê tại khu Nam Sài Gòn của một đơn vị khảo sát thị trường, giá thuê tại Saigon Paragon vào khoảng 16 USD mỗi m2 một tháng, tỷ lệ lấp đầy 90%.
Khaisilk còn 2 nhà hàng nữa tọa lạc tại trung tâm TP HCM là Au Manoir De Khai nằm ngay ngã tư Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ và nhà hàng Nam Phan trên đường Võ Văn Tần (quận 3). Song hiện Au Manoir De Khai được cho là đã về tay một đại gia bất động sản khác.
Trong hai quý đầu năm 2017, trên facebook cá nhân, doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ vừa được cấp giấy phép đầu tư xây dựng chính thức cho dự án The Khai Tower tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM). Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2018.
Ngoài ra ông chủ Khaisilk còn hé lộ đang cho triển khai dự án The Price cao 20 tầng nằm ngay sát bên tòa The Khai. Đến nay các dự án cao tầng này chỉ là đất trống. Cuối năm 2018, giới kinh doanh bất động sản Sài Gòn xôn xao trước tin đồn dự án The Khai Tower đã được bán cho một nhà đầu tư nước ngoài gốc Á. Tuy nhiên tin đồn này chưa được Tập đoàn Khaisilk xác nhận.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Khải đứng tên sở hữu lô đất 26 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là một ngôi đền thuộc sở hữu của gia đình Khaisilk, được ông Khải tu sửa lại và đưa vào kinh doanh nhà hàng Khai's Brothers. Hiện nhà hàng này vẫn hoạt động. Hiện lô đất vẫn đứng tên sở hữu của ông Hoàng Khải. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, ông đã ủy quyền cho ông Hoàng Mi (sinh năm 1971) - người có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ này được toàn quyền trong sử dụng, cho thuê lô đất.
Trong những năm đầu 1990, ông Hoàng Khải thậm chí còn đầu tư bất động sản tại miền Trung. Hội An Riverside Resort (Quảng Nam) là một trong những khu nghỉ dưỡng có vốn góp của ông chủ Khaisilk. Tuy nhiên, một lãnh đạo Hội An cho biết khu nghỉ dưỡng này đã được ông Khải bán.
Như vậy, "đế chế" bất động sản triệu USD của Tập đoàn Khaisilk thực chất có rất ít nhà đất, dự án là tài sản doanh nghiệp hoặc cá nhân ông Hoàng Khải sở hữu. Đa phần các lâu đài, nhà hàng, khách sạn đình đám chỉ là bất động sản Khaisilk thuê có thời hạn, một số đã chuyển nhượng, khác xa với bề nổi mà nhiều người lầm tưởng về khối tài sản khủng lên đến hàng chục triệu USD, thậm chí cả trăm triệu USD của doanh nghiệp này.