Ông Trịnh Văn Phương, sáng lập, kiêm CEO Vietmoney: Đưa công nghệ vào dịch vụ cầm đồ

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 năm hoạt động, Vietmoney đã mở rộng thành chuỗi với việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và tìm được sự đồng hành của các quỹ ngoại.
Ông Trịnh Văn Phương, sáng lập, kiêm CEO Vietmoney.

Ông Trịnh Văn Phương, sáng lập, kiêm CEO Vietmoney.

Ý tưởng khởi nghiệp trong ngành cầm đồ của ông Trịnh Văn Phương từng được xem là rủi ro và nhiều thách thức, nhưng sau 4 năm hoạt động, Vietmoney đã mở rộng thành chuỗi với việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và tìm được sự đồng hành của các quỹ ngoại.

Thời của chuỗi cầm đồ

Cái tên Vietmoney bắt đầu được biết đến nhiều hơn thông qua thương vụ gọi vốn vòng A thành công từ 2 quỹ đầu tư là Probus Opportunities (Thụy Sĩ) và Digi Ventures (Việt Nam). Trước đó, năm 2018, Công ty từng nhận đầu tư vòng hạt giống từ Quỹ Indochine Investment và các nhà đầu tư cá nhân.

Ở Việt Nam, ngoài các ngân hàng và công ty tài chính được hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì dịch vụ cầm đồ là mô hình duy nhất hiện nay được cho vay và phù hợp với các khoản vay tiêu dùng nhỏ.

Cả nước hiện có hơn 30.000 tiệm cầm đồ đang hoạt động, trong đó riêng TP.HCM có hơn 2.300 tiệm. Nếu mỗi tiệm cầm đồ cho vay bình quân khoảng 1 tỷ đồng, thì dư nợ cầm đồ trên thị trường lên tới 30.000 tỷ đồng.

Thị trường lớn, nhưng đang rất phân mảnh và vẫn được coi là dịch vụ nhạy cảm, hay phát sinh các vấn đề về trật tự xã hội. Tuy nhiên, thị trường này đã thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia nhằm minh bạch và nâng cao tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn, camdonhanh do Quỹ John Galt Ventures thành lập...

Thành lập năm 2016, Vietmoney hiện có 16 chi nhánh tại TP.HCM, với tổng diện tích kho để lưu trữ các loại xe cơ giới nhận cầm đồ là hơn 2.000 m2. Tính đến hết quý II/2020, giải ngân lũy kế của Vietmoney đạt hơn 400 tỷ đồng, phục vụ khoảng 20.000 khách hàng thường xuyên tại TP.HCM, tỷ lệ nợ quá hạn cần thanh lý tài sản khoảng 2%. Báo cáo tài chính của Vietmoney ghi nhận lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp.

Danh mục nhận cầm đồ của Công ty cũng thuộc hàng đa dạng nhất thị trường, khi nhận đến 10 mặt hàng, kể cả các mặt hàng có biến động giá cao trên thị trường như vàng, đồ trang sức.

Quan trọng nhất là sự minh bạch giữa người vay và người cho vay. Tùy sản phẩm cầm đồ sẽ chịu mức lãi hàng tháng cùng với mức phí (lưu kho, bảo quản tài sản). Các số liệu này công khai và không thay đổi trong suốt vòng đời giao dịch. Dù phục vụ hàng chục ngàn người trong thời gian qua, nhưng ông Trịnh Văn Phương, sáng lập, kiêm CEO Vietmoney cho biết, Công ty không có bộ phận thu hồi nợ.

Đầu tư vào công nghệ

Từng có kinh nghiệm hơn 8 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ý tưởng khởi nghiệp đến với ông Phương khi nhận thấy có gần một nửa dân số Việt Nam chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ cầm đồ là một trong những công cụ tiếp cận tập khách hàng này rất sớm.

Một lợi điểm nữa của mô hình này là chi phí lãi suất không quá lớn, do đa phần khách hàng cần vay để giải quyết nhu cầu trong ngắn hạn và khách hàng có thể trả nợ linh hoạt ngay khi thu xếp được tài chính mà không chịu khoản phí phạt như khi vay tại các tổ chức tín dụng. Các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ rất ưa chuộng hình thức này.

Tất cả quy trình làm việc nội bộ tại Vietmoney đều được số hóa. Việc định giá, phê duyệt, tạo khoản vay hay quản lý nhân sự cũng thực hiện rất đơn giản qua thao tác trên điện thoại.

Ông Trịnh Văn Phương, sáng lập, kiêm CEO Vietmoney

Dẫu vậy, mô hình cầm đồ truyền thống đang gặp nhiều hạn chế.

Thứ nhất, việc định giá phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm và nhận định cảm tính về sản phẩm của chủ cơ sở, nên các tiệm cầm đồ thường tìm cách ép giá, gây tâm lý ái ngại khi đi cầm đồ.

Thứ hai, khả năng thẩm định giá hàng hóa dựa trên sức người là có hạn vì thị trường có rất nhiều loại tài sản khác nhau, nên danh mục cầm đồ đối với các tiệm cầm đồ truyền thống khá hạn chế. Ngoài ra, việc quản lý tài sản cầm cố được thực hiện một cách thủ công, nên khó quản lý, mở rộng.

Vietmoney giải quyết các vướng mắc trên bằng công nghệ. Công ty là đơn vị hiếm hoi công bố đã xây dựng thành công Hệ thống quản trị nội bộ (ERP) cho riêng đặc thù ngành cầm đồ, đồng thời áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ máy học (Machine Learning) vào vận hành để giải quyết hai bài toán lớn nhất khi kinh doanh cầm đồ, là “định giá tài sản” và “quản lý đồng bộ chuỗi”.

Theo kế hoạch, sau khi nhận đầu tư, Vietmoney sẽ tăng số lượng chi nhánh lên con số 100 và có độ phủ tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, thực hiện mô hình O2O (kết hợp cửa hàng truyền thống và online).

Hiện tại, giao dịch online chiếm đến 60% tổng giao dịch hàng tháng của toàn bộ chuỗi cầm đồ Vietmoney. Đây là yếu tố giúp Công ty không phải chạy theo cuộc đua mở rộng chi nhánh trong khi vẫn giữ được mức tăng trưởng theo kế hoạch hàng quý.

Tin bài liên quan