Ông thời đi khỏi, ông giỏi cũng bó tay

(ĐTCK) Một cánh én không thể làm nên mùa Xuân, cũng như một hạt cát không thể kết thành các tòa nhà kiên cố chắc chắn. Tuy nhiên, nếu thiếu cát thì chẳng xây nổi bất cứ công trình nào…
Ông thời đi khỏi, ông giỏi cũng bó tay

1- Khoảng chừng 4 tháng nay, miếng đất trống rộng tới 3.000 m2 gần nhà tôi bắt đầu lại tấp nập các đội thợ tới đổ bê tông hoàn thiện cọc xây dựng. Ở đâu có cách làm móng thế nào tôi không có rành, nhưng ở Sài Gòn và cụ thể là khu Tên Lửa, nơi gia đình tôi đang định cư, thì người ta đóng cọc bê tông để làm móng. Chiều sâu của cọc trung bình 28 m, bởi nền đất của các khu dân cư mới sau này được hình thành từ các đầm sen, đầm lầy.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng như vậy, thời gian đầu, phải là những người dũng cảm và có con mắt nhìn xa trông rộng lắm mới dám ký hợp đồng mua nền biệt thự khi các em xinh đẹp môi giới dắt ra khoát tay chỉ “miếng đầm đước kia là nhà của anh chị”.

Khi đội quân thợ đổ móng bê tông đóng cọc đi lại làm việc như con thoi, thì cô con gái của tôi rất tò mò. Con hỏi: Mẹ ơi, các chú làm gì mà đông vui quá vậy? Câu hỏi này chẳng phải kiểu ngây thơ con nít, mà có lý do đàng hoàng, chẳng kém cạnh ai. Bởi lẽ, gần 2 năm nay, khi con bé còn nhỏ, chạy chơi tới lui con đường nội bộ phía trước nhà, thì không thấy bóng thợ nào xớ rớ làm việc. Cả miếng đất trống ấy, giống hệt như các nền đất khác chưa có ai xây, cỏ bắt đầu được dịp trổ giò, lút đầu đứa trẻ lên ba. Thỉnh thoảng, đội quân mặc áo xanh của Thanh niên xung phong cũng dùng máy xén cỏ loẹt xoẹt, nhưng chỉ vào các dịp lễ tết.

Những cọc bê tông đã được đóng, nhưng chưa có dịp phục vụ cho công trình nào, nằm buồn hiu ngơ ngáo, trơ trọi đón mưa, đón nắng. Không ai ngó ngàng tới, kể cả kẻ trộm, kẻ gian và các ông, các bà ve chai, đồng nát.

Ai mà có thể mang đi được khối bê tông chình ình ấy. Mà lấy được rồi cũng chẳng bán cho ai. Người ta không đả động gì tới việc làm nhà mới, trong khi các nền đất thì cứ mỗi ngày mỗi cũ.

Nhớ lại 5 năm trước đây, cả khu dân cư của gia đình tôi ở vô cùng ồn ào bởi tiếng máy cắt gạch, tiếng máy trộn bê tông. Cứ 3 - 6 tháng lại có vài ba đám mời ăn tiệc tân gia. Đường nội bộ ít người qua lại, nên những chiếc rạp được lắp ráp ra tới tận ngoài đường, chiếm cứ không gian công cộng một cách ngang nhiên, hồn nhiên và cũng dễ thương. Khách khứa được mời tới ăn uống rôm rả, cụng ly bia nhiệt tình và các loại nhạc từ cải lương, đến nhạc trẻ thi nhau phát ra từ các loa thùng cỡ đại.

Thời điểm đó, thợ xây, thợ đổ bê tông, thợ làm cọc đắt việc vô cùng. Họ cất những căn chòi tạm ở các miếng đất chưa có ai làm nhà, kéo vòi nước từ các giếng bơm sâu tới hơn 100 m để cả nhà gồm vợ chồng, con cái tắm giặt, nấu nước, sống quần tụ, tạm bợ cho đến khi công trình hoàn thành.

Tháng sau lại thấy cũng các cặp vợ chồng ấy, những đứa trẻ thất học theo chân cha mẹ sống lang bạt ấy, có mặt ở góc đường kế bên, nơi một căn biệt thự hay căn nhà phố tiếp tục mọc lên.

Quen thuộc tới mức, tôi còn biết cả tên và quê quán của họ, coi như những người hàng xóm láng giềng. Và thời gian ấy, thì con gái tôi mới sinh. Cháu chưa nhận thức được sự thay đổi hết đông vui lại vắng vẻ và giờ chỉ thấy ngạc nhiên, xen lẫn nỗi mừng, bởi có thêm bạn đồng trang lứa chơi cùng - những đứa con nheo nhóc của đội thợ đổ bê tông. Trẻ con không biết đến 2 từ sang chảnh như người lớn. Cứ có bạn chơi là thích rồi, đòi hỏi gì hơn.

2- Năm 2013 vừa qua đi, là một năm ít nụ cười của giới xây dựng và nhà đất. Điều đó là nói theo kiểu vuốt đuôi nhẹ nhàng, chứ thật ra thì méo mặt chứ cười gì nổi.

Nghệ sĩ Phước Sang từng có trong tay cả trăm tỷ đồng, anh được giới nghệ sĩ nể phục bởi sự mát tay khi làm show và phim Tết. Nhiều năm liền, Hãng phim Phước Sang cứ cho ra rạp phim nào, phim ấy thu tiền tỷ.

Anh còn làm bầu show của mấy sân khấu kịch ăn khách, lại làm chủ đầu tư của nhà hàng tiệc cưới Quốc Thanh nằm trên con đường trung tâm Sài Gòn. Vậy nhưng, số tiền mà Phước Sang thu về từ lợi nhuận kinh doanh nghệ thuật chỉ bằng một góc kinh doanh bất động sản. Không giàu có nào nhanh bằng buôn bán đất.

Được đà, Phước Sang vay mượn, thế chấp tài sản để mua thêm nhiều bất động sản. Nếu như may mắn, thời nhà đất cứ mua là có lời vẫn tồn tại, thì Phước Sang quả được sống đúng nghĩa như cái tên mà anh đã sở hữu. Nhưng chưa kịp bán thì quả bóng bất động sản xì hơi. Nó không xì từ từ mà xì cái bụp, nếu không nói là nổ tung, quá nhanh để có thể ông bầu rút chân, rút tay kịp thời ra khỏi cuộc chơi.

Tiền lãi ngân hàng, tiền lãi vay nợ anh em bè bạn cứ thế mà đẻ ra, khiến nam nghệ sĩ hụt hơi. Dù cho bây giờ vẫn ở biệt thự sang trọng, nhưng thực ra, căn nhà đó đã cầm cố ngân hàng. Bán rẻ đi thì không muốn, bởi đây là bao tâm sức của anh gom góp lại từ khi bần hàn đến khi thành đạt. Bán mắc thì chẳng ai mua. Tiến thoái lưỡng nan là hoàn cảnh bi đát mà bầu Sang đang phải gánh chịu.

3- Đối diện nhà tôi là biệt thự hoành tráng của gia đình một giám đốc công ty thép liên doanh. Ông đã bước sang tuổi 50, nhưng cưới cô vợ hai khá trẻ và đẹp.

Sau khi chia tay bà vợ đầu mắc chứng cuồng ghen, ông cưới cô vợ này và chuyển từ Phú Mỹ Hưng về khu này sinh sống. Khi căn nhà hoàn thiện, hàng xóm tấm tắc khen nhà mát mẻ, sang trọng lắm, sang từ chiếc cổng tự động tới các vật dụng trong nhà vệ sinh mắc tiền.

Nghe nói, cách đây 4 năm, chỉ tính riêng cánh cổng của nhà ông đã lên tới gần 200 triệu đồng. Tầng hầm nhà ông có 2 chiếc xe hơi đẳng cấp. Mỗi sáng, hình ảnh người vợ trẻ ẵm đứa con ra tiễn chồng ăn mặc chỉn chu đi làm là một bức tranh quá đẹp về hạnh phúc gia đình. Các ông, các bà rảnh việc được dịp buôn chuyện không ngớt.

Trong mấy năm qua, người chồng lớn tuổi chiều vợ và gia đình vợ bằng cách mở tới 5 - 7 cửa hàng bán chăn, drap, gối, nệm. Có cửa hàng là căn nhà của vợ chồng ông chủ, có cửa hàng đi thuê, nhưng thời buổi ế ẩm, chẳng ai mua sắm gì nhiều, nên các cửa hàng vắng tanh vắng teo, rồi cuối cùng tóp lại thật sự. Cô vợ không quản lý kinh doanh gì nữa, chỉ ở nhà coi sóc nhà cửa và con cái.

Tôi vẫn nhìn qua căn nhà biệt thự ấy với sự ghen tị hạnh phúc của người khác theo kiểu hết sức đàn bà. Thời gian trôi đi, một bữa, mấy người hàng xóm xúm lại kể chuyện công ty thép mà ông chủ của căn nhà mắc tiền ấy làm giám đốc bị nợ ngân hàng tới 2.000 tỷ đồng. Mà vụ việc đăng báo đàng hoàng, chứ không phải úp úp, mở mở gì.

Từ khi có tin vỉa hè, chẳng biết có thất thiệt hay thiệt sự, vì tôi cũng không có sự kiểm chứng, cánh cổng căn nhà ấy ít mở hẳn. Không thấy ông bà chủ dắt nhau đi bộ tình cảm ở công viên trước nhà mỗi tối nữa. Đám nhóc trong nhà cũng không được người bảo mẫu đưa đi chơi. Chỉ cái tin nợ 2.000 tỷ đồng là âm ỉ lan tỏa như dầu loang trên nước, khiến hình ảnh đẹp đẽ kinh điển của một gia đình hạnh phúc bỗng chốc không còn, hoặc ít nhất không tồn tại trong con mắt của tôi.

Sự ghen tị đàn bà của tôi bỗng nhiên mất hẳn, thay vào đó là sự ngậm ngùi. Nếu có bề gì, thì người vợ trẻ không nghề nghiệp, quen ăn ngon mặc đẹp kia sẽ biết làm sao xoay xở với 2 đứa con còn nhỏ trên tay?

Trước đây, khi bất động sản còn chưa bất động, thì việc sản xuất và kinh doanh các loại vật liệu xây dựng, trong đó có thép hái ra tiền. Người ta còn chưa quên được một đại gia ngành thép ở Hải Dương đưa con đi thi đại học trên Hà Nội ở khách sạn 5 sao trong suốt thời gian cậu ấm tới Thủ đô. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác rồi, đại gia ngành thép kia đã vỡ nợ, còn công ty của người hàng xóm gần nhà tôi thì mang gánh nợ vô cùng nặng, chẳng biết công ty mà ông có phần hùn khá lớn liệu có thoát ra khỏi cơn bĩ cực này không?

Nhưng dòng đời luôn tuôn chảy và thay đổi. Con số 13 xui xẻo đối với người phương Tây đã qua rồi. Đón mừng năm 2014, hạt cát may mắn của thời thế thay vì làm cộm đau con mắt, thì hy vọng sẽ góp phần là chất liệu xây dựng các tòa nhà bề thế.

Thà rằng cứ để tôi có thêm sự ghen tị đàn bà trong mình, còn hơn là cứ thở dài thương các mái ấm gia đình có nguy cơ không có mùa Xuân trọn vẹn.