Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ông Trump để thúc đẩy quan hệ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẵn sàng hợp tác với ông Donald Trump để cải thiện mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bloomberg đưa tin ngày 17/11.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 16/11/2024, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại thủ đô Lima, Peru. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 16/11/2024, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại thủ đô Lima, Peru. Ảnh: AFP

Phát biểu tại cuộc họp ngày 16/11 được cho là cuộc họp cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo trước khi ông Trump nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ và Trung Quốc nên phấn đấu vì sự chung sống hòa bình trong dài hạn. Ông Tập Cận Bình cho rằng "sự đoàn kết và hợp tác" là cần thiết để giúp nhân loại vượt qua khó khăn, đồng thời nói thêm rằng "cả sự tách rời lẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng đều không phải là giải pháp".

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để duy trì trao đổi, mở rộng hợp tác và quản lý những khác biệt, để phấn đấu cho sự chuyển đổi ổn định trong mối quan hệ Trung - Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước", ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp ở thủ đô Lima, Peru.

Về phần mình, Tổng thống cho biết ông "rất tự hào" về tiến triển giữa hai bên.

"Những cuộc đối thoại này ngăn ngừa tính toán sai lầm và đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta sẽ không chuyển thành xung đột", Tổng thống Biden cho biết, đồng thời nói thêm rằng hợp tác hai bên đã được cải thiện về mặt trao đổi quân sự, rủi ro trí tuệ nhân tạo (AI) và chống ma túy.

Theo Bloomberg, ông Tập Cận Bình đánh giá cuộc họp với ông Joe Biden là "thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng", đồng thời nói thêm rằng lợi ích chung giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng chứ không phải thu hẹp. Chủ tịch Trung Quốc cũng đã nói với Tổng thống Mỹ rằng không nên tiến hành một "cuộc chiến tranh lạnh mới" và kêu gọi Washington kiềm chế mọi động thái gây ra "tác động làm lạnh".

Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden chỉ còn khoảng hai tháng cầm quyền nữa trước khi trao quyền cho ông Donald Trump, người vừa đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump trước đó đã đe dọa áp thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc - mức thuế có nguy cơ tàn phá quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Gần đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lựa chọn sớm các thành viên nội các, bao gồm những người theo chủ nghĩa "diều hâu" cứng rắn đối với Trung Quốc, đơn cử ông Marco Rubio được chọn làm ngoại trưởng còn ông Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách ổn định quan hệ và xây dựng dựa trên hội nghị thượng đỉnh một năm trước tại San Francisco (Mỹ), nơi đã thiết lập lại mối quan hệ hai bên sau khi chính quyền Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trôi dạt trên lục địa Mỹ và cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan.

Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn sau 4 năm đầy biến động. Chính quyền Biden đã có động thái từ chối cung cấp chip AI tiên tiến và các công nghệ khác cho Bắc Kinh, gây sức ép buộc các đồng minh của Mỹ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được thiết kế để đảm bảo Mỹ vẫn duy trì ưu thế quân sự so với Trung Quốc.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Tổng thống Biden đã lưu ý đến "sự thật hiển nhiên" rằng một chính quyền mới sẽ tiếp quản vào ngày 20/1, nhưng ông không dự đoán trước những gì có thể xảy ra.

"Chính quyền mới không có nhiệm vụ đảm bảo với chúng tôi về bất cứ điều gì và họ sẽ tự đưa ra quyết định khi tiến về phía trước", ông Sullivan cho biết.

Với mối đe dọa về thuế quan mà ông Trump đưa ra, Chủ tịch Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian ở Hội nghị thượng đỉnh APEC để định vị Trung Quốc là đối tác thương mại tự do đáng tin cậy hơn. Ông đã tổ chức các cuộc họp với một loạt các đồng minh và đối tác của Mỹ và khánh thành một cảng nước sâu mới trị giá 1,3 tỷ USD ở Peru, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC "phá bỏ các bức tường" cản trở thương mại, đầu tư, công nghệ và dịch vụ.

Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2026, đây sẽ là cơ hội để ông Trump có thể đến thăm Trung Quốc, theo Bloomberg.

Cũng tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ rằng quốc gia của ông sẽ tiếp tục phát huy "tình hữu nghị truyền thống" giữa hai nước ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.

"Mục tiêu của Trung Quốc về một mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn không thay đổi", ông Tập Cận Bình khẳng định.

Tin bài liên quan