Ông Nguyễn Như So khi Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Ông Nguyễn Như So khi Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Ông So Dabaco kể chuyện vượt bão "kép"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều áp Tết, người viết gặp doanh nhân Nguyễn Như So khi Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa công bố về đích kế hoạch lợi nhuận 827 tỷ đồng trong một năm đối diện với “đại dịch kép”.

"Chúng tôi đã vô cùng vất vả"

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước. Các nhà máy, trang trại chăn nuôi của Dabaco tập trung ở Bắc Ninh, tâm điểm của đợt bùng phát dịch Covid đầu tiên trong năm, do vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

Hình ảnh ông So nhớ nhất trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, đó là hàng dài những chiếc xe cải tiến mỗi ngày chở thức ăn vào các trang trại gà, lợn của Dabaco.

Ông kể, có thời điểm, mỗi tỉnh chống dịch một kiểu, đi từ Bắc Ninh lên Tuyên Quang để kiểm tra tình hình sản xuất - kinh doanh trong hệ thống của Dabaco mà phải qua 7, 8 trạm kiểm soát y tế.

“Chỉ cần xã có một ca F0 là người ta ngăn sông cấm chợ cả xã. Thức ăn cho gia súc, gia cầm chỉ mang được đến chốt kiểm dịch là phải thuê bà con trong xã dùng xe cải tiến chở vào. Bạn thử tưởng tượng xem, cái xe cải tiến đó phải kéo mấy chục tấn thức ăn thì kéo đến bao giờ mới xong, ngày nào cũng thế. Nói chung trước khi có Nghị quyết 128, chúng tôi vô cùng vất vả”, ông So cảm thán.

Cuối cùng, làm thế nào mà Dabaco vượt qua những ngày như vậy?

Năm 2021, Dabaco phải đối diện với “đại dịch kép”: dịch Covid-19 trên người và dịch tả châu Phi trên lợn. Nhưng nhờ chủ động thích ứng, ứng phó nhanh với dịch bệnh, các kế hoạch kinh doanh vẫn hoàn thành.

Thứ nhất, chúng tôi đảm bảo cho cán bộ nhân viên được an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn phải bám sát và giữ vững địa bàn. Các cuộc họp được kết nối từ phòng họp trực tuyến đến máy tính bảng của nhân sự để đảm bảo thông tin điều hành và trao đổi được thông suốt, kịp thời.

Thứ hai, chúng tôi thay đổi phương châm trong tiêu thụ hàng hoá. Trước đây, Dabaco chỉ bán theo số đầu mối cố định, nhưng đến khi dịch bệnh bùng phát, sức tiêu thụ giảm, chúng tôi tăng thêm người bám địa bàn, đưa hàng hoá xuống tận thôn, xã, vừa đảm bảo phục vụ bà con vừa tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng của mình.

Dabaco vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng. Kế hoạch tăng trưởng hai con số cả về doanh thu, lợi nhuận liệu có quá tham vọng khi xét trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường?

Các chỉ tiêu kinh doanh của Dabaco đề ra dựa trên đà tăng trưởng từ nội lực sẵn có của Tập đoàn và những yếu tố thị trường một cách thận trọng và chưa tính đến các dự án đang được triển khai như dự án Khu chăn nuôi công nghệ cao tại Thanh Hóa, Phú Thọ (mở rộng), Nhà máy sản xuất dầu thực vật giai đoạn 2, vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được sản xuất thương mại…

Hệ thống nhà máy dầu ăn của Dabaco trước kia xuất 1.000 tấn/tháng, năm nay dự kiến xuất 2.000 tấn/tháng... Mô hình chuỗi khép kín 3F (Feed - Farm - Food) vốn là đặc trưng của Tập đoàn sẽ được làm chuyên sâu hơn và mở rộng hơn tại các địa bàn.

Nhờ nghiên cứu thành công vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi, quy mô đàn lợn thịt của Dabaco sẽ tăng lên 750.000 con trong năm nay, trong bối cảnh tổng đàn lợn của Việt Nam đã bị giảm sút do dịch bệnh.

Ông có thể chia sẻ thêm về việc nghiên cứu thử nghiệm thành công vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi?

Trại gà giống và gà đẻ trứng của Dabaco.

Trại gà giống và gà đẻ trứng của Dabaco.

Hơn 2 năm trước, một nhóm nghiên cứu của Mỹ đã công bố nghiên cứu về vắc-xin này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã đề nghị Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chỉ định chuyển giao cho Tập đoàn Dabaco.

Chúng tôi mời một số nhà khoa học Việt Nam kết hợp với nhóm nghiên cứu của Mỹ tập trung thử nghiệm và mới đây đã công bố kết quả khả quan.

Cho đến nay, trên thế giới, chưa có ai sản xuất vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi. Hiện chúng tôi đang xúc tiến các bước tiếp theo để được cấp phép lưu hành loại vắc-xin này và đưa vào khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất.

Ông được biết đến là doanh nhân thuộc thế hệ đầu tiên sau Đổi Mới, đưa Dabaco từ xí nghiệp nhỏ của Nhà nước thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, với chuỗi sản xuất khép kín. Ông có thể chia sẻ triết lý kinh doanh của mình?

Phát triển nhanh, mạnh nhưng phải bền vững. Lao động kiên trì, miệt mài, tính toán về mặt thị trường thấy ổn thì phải quyết liệt mới thành công.

"Tôi chỉ tập trung vào sản xuất"

Tiếp phóng viên tại trụ sở Tập đoàn Dabaco tại TP. Bắc Ninh vào chiều ngày Rằm tháng Chạp, thị trường chứng khoán đã chứng kiến phiên giao dịch điều chỉnh mạnh khi chỉ số VN-Index mất tới 43 điểm. Áp lực bán tháo vào thời điểm nhạy cảm có tính chu kỳ đã khiến 446 cổ phiếu trên sàn HOSE giảm giá (bao gồm 128 mã giảm sàn). Trong khi nhiều mã giảm điểm do chịu tác động bởi hiệu ứng “tuyết lở” của thị trường thì cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco chỉ rung lắc nhẹ quanh vùng giá 71.600 - 71.700 đồng/cổ phiếu. Câu chuyện với ông So vì vậy lại trở về với chứng khoán.

Cổ phiếu DBC đã tăng 60% trong vòng một năm qua, là Chủ tịch của Công ty, cảm xúc của ông thế nào trước diễn biến này?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua, thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Sự sôi động của thị trường giúp nhiều cổ phiếu đã tăng giá chóng mặt.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đà tăng của cổ phiếu DBC đều đến từ giá trị thực của doanh nghiệp. Hàng năm, tôi đều thuê tổ chức định giá độc lập định giá tài sản của Dabaco để có cơ sở điều hành tiếp. Năm vừa rồi, Dabaco trả cổ tức tới 30% và sắp tới sẽ chia thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 từ quỹ đầu tư phát triển của Công ty.

Chúng tôi ít truyền thông, cũng không đầu tư tài chính, chỉ làm sản xuất nên có thể nhiều nhà đầu tư không biết đến cổ phiếu DBC hoặc cầm cổ phiếu DBC nhưng không biết doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gì. Đây là thiệt thòi cho nhiều nhà đầu tư.

Giai đoạn vừa qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã tranh thủ cơ hội giá cổ phiếu tăng mạnh để “lướt sóng” cổ phiếu của mình kiếm lời, còn ông thì sao?

Sự thật là tôi không chơi chứng khoán, mà cũng không biết chơi chứng khoán. Tôi là cổ đông lớn nhất của Dabaco nhưng tôi chỉ nắm giữ cổ phiếu để hưởng cổ tức, có tiền tôi mua thêm vào để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Ngoài ra, tôi không mua vào bán ra, không đưa đẩy gì hết.

Phải chăng là ông quá giàu, nên không có nhu cầu đầu tư tài chính?

Không phải là tôi quá giàu, mà do tôi quá chú trọng vào đầu tư sản xuất nên không có thời gian làm việc khác.

Tin bài liên quan