Ông Phan Đức Hiếu: Để du lịch thực sự đột phá, cần bỏ tư duy đi theo sau

Ông Phan Đức Hiếu: Để du lịch thực sự đột phá, cần bỏ tư duy đi theo sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ tại toạ đàm Hiến kế hút khách quốc tế do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tư duy chính sách phát triển kinh tế cần suy nghĩ trên diện rộng và để du lịch thực sự phát triển đột phá cần làm cái mà người ta muốn đến để học, không nên chỉ luôn tư duy đi sau.

Đặt mục tiêu với đồng hồ đếm ngược để có sự quyết liệt

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023, du lịch và nông nghiệp là hai ngành đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng.

Đóng góp kế sách góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, tư duy chính sách phát triển ngành du lịch cần suy nghĩ trên diện rộng, không chỉ là sự di chuyển của con người, mà đòi hỏi các chính sách phát triển khác như phát triển hạ tầng liên quan gồm hạ tầng phần cứng và phần mềm để khách đến có thể nghỉ ngơi, vui chơi dài hơn, chi tiêu lớn hơn.

"Chính sách về phát triển du lịch không chỉ Luật Du lịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú mà còn nhiều chính sách khác. Ví dụ nói đến du lịch nghỉ dưỡng liên tưởng đến chính sách đất đai, nhà ở, vấn đề quy hoạch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển khu vực nghỉ dưỡng, hay vấn đề giao thông đường bộ, vận chuyển đa phương thức", ông Hiếu nói.

Điều này rất có ý nghĩa trong quá trình xây dựng chính sách, tư duy ngoài thực hiện mục tiêu lớn nhất cho chính sách cho ngành trực tiếp còn quan tâm đến các ngành có liên quan. Ví dụ Luật Đất đai ngoài việc phục vụ phát triển đất đai, tư duy góp phần phát triển du lịch trong xây dựng và soạn thảo các chính sách liên quan.

Hay Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú không chỉ góp phần giúp kiểm soát an ninh và tác động đến phát triển du lịch.

Ông cho biết, rất ấn tượng với kinh nghiệm và bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội về cách Thái Lan mở cửa thu hút khách sau Covid-19.

"Họ làm việc quyết liệt với quyết tâm mở cửa trong 180 ngày, làm mọi cách và đặt đồng hồ đếm ngược. Đó là tư duy hay và tinh thần tuyệt vời mà chúng ta nên học tập. Nếu tư duy mở cửa khi đủ điều kiện về mặt an toàn về kiểm soát dịch bệnh, cùng mục tiêu nhưng hành động sẽ khác, nếu đặt mục tiêu trong vòng bao nhiêu ngày sẽ khác với mục tiêu nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để mở cửa", ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Trở lại với câu chuyện mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều vấn đề xung đột, lạm phát, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng đó là một mục tiêu đầy thách thức, để đạt được cần phải thực sự nỗ lực.

Ông Dương Minh Đức, Phó giám đốc Kinh doanh Tiếp thị, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho hay tại nhiều hội nghị mà ông tham gia đều có cái nhìn không lạc quan về tình hình hút khách du lịch quốc tế năm 2023 bởi các lo ngại về xung đột chính trị, suy thoái kinh tế và suy giảm kinh tế ở các nước phương Tây sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch inbound đến Việt Nam. Tuy nhiên, Saigontourist vẫn cố gắng hết sức, tận dụng mọi cơ hội để thu hút khách.

Theo ông Đức, xu hướng khách tàu biển và khách Mice phục hồi rất tốt, từ đầu năm 2023 đến nay Saigontourist đã đón 8 chuyến tàu biển khách du lịch quốc tế đón với 23.000 lượt khách quốc tế. Trong năm nay dự kiến đón 30 chuyến tàu.

Về giải pháp hút khách, ông cho rằng, Công ty đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn trong đó có hợp tác với Vietnam Airlines để đưa ra chính sách giá tốt nhất với khách hàng. Liên kết với các địa phương để hình thành tour tuyến liên kết, ngoài ra còn có các tour tuyến liên vùng, để khai thác thế mạnh đặc trưng về văn hoá con người xã hội từng địa phương.

Tuy nhiên, ông Dương Minh Đức kiến nghị, bên cạnh nỗ lực của địa phương, về phía quản lý nhà nước cần chính sách hỗ trợ giống như vai trò của một tổng đạo diễn, thúc đẩy ngành du lịch phát triển đồng bộ.

Đối với chỉ tiêu đón khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay, ông Phan Đức Hiếu cho rằng bên cạnh việc đặt chỉ tiêu 8 triệu hay 10 triệu cần phải có tư duy làm thế nào để đạt được điều đó.

"Hiện nay từ bài học của người Thái, tại sao chúng ta cứ phải đặt đi học tập kinh nghiệm các nước, đặt mục tiêu thấp hơn các nước trong khi tiềm năng không thua kém gì. Tự tin đặt ra chỉ tiêu, tính đến mức độ khả thi còn tư duy xem người ta làm gì mình làm đấy thì chỉ luôn đi sau. Để thực sự có đột phá, chúng ta nên làm cái mà người khác cần đến Việt Nam để học hỏi ", ông Hiếu kiến nghị.

Hiện nay Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp các bộ ngành. Từ câu chuyện của Thái Lan, ông Hiếu cho rằng, chúng ta đã có giải pháp nhưng việc quyết liệt thực thi đầy đủ kịp thời các giải pháp rất quan trọng. Mong các cơ quan có liên quan nên thực thi quyết liệt, kịp thời.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Tại nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chẳng hạn tại Thái Lan trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ Bath cho nền kinh tế Thái Lan năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỷ Bath, tương đương với 12% GDP. Năm 2022, nước này đã công bố chiến lược mới về du lịch có tên gọi là SMILE (nụ cười) với mục tiêu đưa đóng góp của du lịch lên tới 30% GDP của Thái Lan vào năm 2030.

Ngay cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản, du lịch luôn là lĩnh vực kinh tế được coi trọng với mức đóng góp trung bình 6-7% GDP. Quốc gia này cũng đặt những kế hoạch mới thu hút khách quốc tế sau đại dịch với mục tiêu phục hồi lượng khách quốc tế vượt mức kỷ lục 32 triệu lượt khách vào năm 2025, đồng thời triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu, là khách có giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu Yên.

Với Việt Nam, thống kê cho thấy cũng trong năm 2019, du lịch tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD). Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Đó là tiềm năng của một đất nước có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông. Việt Nam có 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 03 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, thắng cảnh.

Để ngành kinh tế mũi nhọn được khai thác tương xứng với tiềm năng, Phó giám đốc kinh doanh tiếp thị Saigontourist Dương Minh Đức cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến dài hạn có sự phân công cụ thể các bên liên quan. Đồng thời, xây dựng cơ chế liên kết phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch để chia sẻ thông tin công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thu hút các hãng lữ hành lớn, đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch Việt Nam.

Tin bài liên quan