Ông Phạm Hồng Sơn
Cuối tháng 8/2011, UBCK ra Quyết định số 637/QĐ-UBCK ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, đây là lần đầu tiên, một văn bản chính thức quy định về việc CTCK cho NĐT vay tiền giao dịch chứng khoán. Tỷ lệ cho vay tối đa theo quy định ban đầu là 40% giá trị danh mục. Tỷ lệ này được đánh giá là thận trọng, bởi theo lý giải của cơ quan quản lý thời điểm ban hành Quyết định 637, do thị trường còn mới, nên mức cho vay tối đa 40% giá trị danh mục là để CTCK và NĐT làm quen với công cụ mới, giảm thiểu rủi ro.
Đến ngày 8/1/2013, UBCK ký Quyết định số 09/QĐ-UBCK sửa đổi một số điều của Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK. Với quyết định này, tỷ lệ cho vay được điều chỉnh tối đa lên mức 50% - mức phổ biến của TTCK nhiều nước trên thế giới. Các quy định về giới hạn tỷ lệ 200% tổng dư nợ cho vay ký quỹ của CTCK trên vốn chủ sở hữu cũng như tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và một mã chứng khoán vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, thực tế gần 3 năm triển khai cho thấy, các CTCK tỏ ra khá thận trọng với danh mục cũng như tỷ lệ vay giao dịch ký quỹ. Những mã có thanh khoản thấp, dù đủ điều kiện được giao dịch ký quỹ vẫn không được CTCK chấp thuận giải ngân, hoặc có tỷ lệ cho vay thấp, tương tự như trường hợp các mã chứng khoán đã tăng giá mạnh.
Thống kê cho thấy, ngay tại các CTCK lớn là SSI, HSC, VNDS… số dư cho vay margin ở thời điểm lập báo cáo tài chính quý, năm, dù có tăng khi thị trường tăng trưởng tích cực, nhưng cũng chưa chạm đến mức giới hạn của CTCK. Điều này cho thấy, cả NĐT và các CTCK đều có những thận trọng riêng.
Thận trọng, khi cả NĐT và CTCK đều có những bài học đắt giá giai đoạn trước do sử dụng đòn bẩy quá đà, là diễn biến chung trên TTCK. Tuy nhiên, tìm hiểu của ĐTCK tại các đầu môi giới cho thấy, thị trường vẫn tồn tại những hình thức khác margin (là CTCK cho vay trực tiếp) nhằm hỗ trợ vốn cho NĐT.
Thưa ông, trong thời gian qua, có thông tin cho rằng, thị trường tồn tại hiện tượng vượt trần quy định margin tại các CTCK. Trong vai trò cơ quan quản lý, ông đánh giá thế nào về thông tin này?
Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ được phép cho NĐT vay mua chứng khoán nằm trong danh mục được phép giao dịch ký quỹ, với tỷ lệ cho vay tối đa 50% giá trị danh mục. Ngoài ra, CTCK còn bị giới hạn ở tỷ lệ tổng mức cho vay margin trên vốn điều lệ, tỷ lệ cho vay tối đa một NĐT hay một mã chứng khoán.
Trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của TTCK, UBCK đã yêu cầu các CTCK phải thực hiện báo cáo hàng ngày, thay vì 2 tuần 1 lần như quy định cũ về tình hình đầu tư tự doanh cũng như cho vay margin. Tất cả các trường hợp có nghi ngờ, UBCK đều yêu cầu phải giải trình cụ thể từng hợp đồng, con số, nên về cơ bản, cho vay giao dịch ký quỹ đã và đang được UBCK giám sát một cách nghiêm ngặt.
Qua con số giám sát, ông đánh giá thế nào về mức độ cung cấp, sử dụng dịch vụ margin của các CTCK cũng như NĐT?
Dữ liệu báo cáo về của các CTCK cho thấy, các CTCK đã triển khai khá tích cực hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, nhưng giai đoạn gần đây, tổng dư nợ cho vay margin không có đột biến, vẫn trong xu hướng thận trọng.
Ông cho rằng, về cơ bản, CTCK đã tuân thủ quy định cho vay giao dịch ký quỹ, nhưng thị trường cho rằng, vẫn có trường hợp NĐT được vay với tỷ lệ lớn, ở những mã không được phép giao dịch. Vậy UBCK làm gì để chấn chỉnh công tác chấp hành quy định của CTCK?
Quyết định 637 và Quyết định 09 đã quy định rất rõ về cho vay giao dịch ký quỹ của CTCK. Quan điểm của UBCK là CTCK phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định này. Các CTCK vi phạm, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
UBCK đã và đang tiến hành kiểm tra các CTCK có nghi ngờ vi phạm về hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ. Trong thời gian tới, các trường hợp vi phạm bị phát hiện đều sẽ được xử lý.
Nhân đây, tôi cũng khuyến cáo các CTCK cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật hiện hành để phòng ngừa rủi ro cho chính CTCK. Đồng thời, NĐT cũng nên nói không với các trường hợp vi phạm tỷ lệ, danh mục cho vay ký quỹ, để vừa đảm bảo an toàn tài sản trong các trường hợp có biến động thị trường lớn, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NĐT trong trường hợp xảy ra các tranh chấp pháp lý.