Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam là 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu 4%, trong khi đó Ngân hàng Standard Chartered lại dự báo ở mức 4,2%. Theo nghiên cứu của ông, lạm phát của Việt Nam là bao nhiêu, trong bối cảnh lạm phát các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh?
Ông Nguyễn Xuân Thành |
Thực chất, có sự khác biệt giữa số liệu lạm phát (CPI) của Tổng cục Thống kê công bố với áp lực lạm phát của người tiêu dùng trong nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, giá xăng dầu tăng khiến giá những mặt hàng tiêu dùng khác tăng và người tiêu dùng có những cảm nhận rõ ràng nhất.
Trong rổ hàng hoá CPI do Tổng cục Thống kê tính toán 12 tháng qua (tính đến tháng 5/2022), chỉ số giá tăng có 2,9%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí đi lại và dịch vụ vận tải dịch vụ tăng mạnh tới 18,4%; trong khi đó chi phí lương thực, thực phẩm với trọng số tới 1/3 thì chỉ tăng 1,3%.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao, đặc biệt những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine làm giá năng lượng tăng cao cộng thêm việc trong nửa cuối năm nay sức cầu từ sự phục hồi kinh tế trong nước cũng sẽ là yếu tố làm tăng giá cả, tôi cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 khó ở dưới mức 4%. Tuy vậy, Việt Nam và Đông Nam Á dự báo vẫn là khu vực có áp lực lạm phát thấp nhất.
Có 3 lý do cho nhận định này: Thứ nhất, trong giai đoạn đại dịch bùng phát, chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ của Việt Nam không nới lỏng quá mức, mà đặt ưu tiên rất rõ là ổn định vĩ mô.
Thứ hai, mặc dù nhiều khu vực đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng Đông Nam Á vẫn là khu vực ít trầm trọng và hàng hóa tiêu dùng trong nước không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu.
Thứ ba, giá lương thực, thực phẩm có tăng nhưng không tăng mạnh so với các nước khác, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm ròng. Điều này khác biệt khi mặt hàng chịu tác động bởi chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá tăng mạnh là lúa mì, còn tại khu vực Đông Nam Á, lương thực chính là gạo nên ít chịu ảnh hưởng. Ở Việt Nam, một mặt hàng rất quan trọng trong “rổ” lương thực, thực phẩm là thịt heo lại có giá không tăng mạnh nên cũng giúp cho CPI tăng ở mức thấp hiện nay.
Những thách thức toàn cầu có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa và IMF cũng khuyến nghị Việt Nam nên thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát kéo dài. Theo ông, Việt Nam có cần tính đến phương án này?
Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề hiện nay đặt ra là không thể nới lỏng chính sách hơn nữa, chứ chưa đề cập đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Các cơ quan tư vấn thường phải nói nước đôi: “Nếu như chưa có áp lực lạm phát thì chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, còn nếu lạm phát cao hay kéo dài thì phải thắt chặt chính sách tiền tệ”. Đây là lý thuyết và điều này đương nhiên đúng. Vấn đề là lạm phát của Việt Nam hiện đã cao và kéo dài hay chưa? Nếu lạm phát chưa cao và chưa kéo dài thì chưa phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng trung ương các quốc gia phát triển cũng đang phải điều hành theo cách thức “dò đường”. Trong kỳ họp tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ định tăng lãi suất 0,5%/năm, nhưng trước tình hình lạm phát tháng 5 tăng vượt dự báo đã phải mạnh tay nâng lãi suất ở mức 0,75%/năm.
Như trên đã đề cập, áp lực lạm phát của Việt Nam cao nhưng mới chỉ đến từ yếu tố chi phí đầu vào, đặc biệt là giá năng lượng, nên ngay tại thời điểm hiện này thì chưa cần phải tính toán đến việc nâng lãi suất điều hành như những quốc gia khác. Nếu thời gian tới mà lạm phát được dự báo trong khoảng 4 - 5%, thì theo tôi, cũng chưa phải tính đến chuyện thắt chặt tiền tệ.
Hiện Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ rất chủ động, linh hoạt theo diễn biến thị trường, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Lo ngại lớn nhất là, trong đà phục hồi tăng trưởng hiện nay, các ngành đều tăng trưởng, người dân tạm thời quên đi dịch bệnh Covid và tăng chi tiêu. Lúc đó, điều hành chính sách sẽ gặp áp lực thực sự, không chỉ đến từ chi phí đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu, mà còn đến từ phía sức cầu tăng lên.
Ngân hàng Nhà nước cần tính toán các kịch bản để đề phòng trường hợp lạm phát vượt 5% và sự tăng giá là trên diện rộng của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ - tín hiệu cho thấy cần phải thực hiện điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề hiện nay đặt ra là không thể nới lỏng chính sách hơn nữa, chứ chưa đề cập đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông có thể gợi ý một số kịch bản?
Nhìn về phía trước, có nhiều vấn đề nằm ngoài kiểm soát, nhưng có thể tính toán theo kịch bản sau:
Kịch bản lạc quan là, giá dầu hiện ở mức cao nhưng cũng chỉ ở mức 110 USD/thùng hơn 1 tháng qua. Khi chiến tranh căng thẳng nhất, mỗi lần phương Tây ra một biện pháp trừng phạt và Nga trả đũa thì giá dầu tăng lên; hay các tin tức như tăng trưởng toàn cầu suy giảm, nếu giá dầu tăng hơn nữa thì sức ép của phương Tây, đặc biệt Hoa Kỳ lên OPEC và Saudi Arabia khiến có thể tăng sản xuất dầu thô… và những tín hiệu này giúp giá dầu đi xuống.
Kịch bản bi quan hơn, nếu Nga và Phương Tây chơi sát ván với nhau, giá dầu vượt lên mức 130 USD/thùng tác động sẽ rất lớn đến lạm phát ở Việt Nam và việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là rất khó. Nhưng điểm tích cực như tôi đã đề cập ở trên là lương thực, thực phẩm ở Việt Nam được đảm bảo nguồn cung dồi dào nên vẫn có thể kiểm soát được áp lực lạm phát.
Theo tôi, trong điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam cần đưa ra các chính sách điều hành dựa trên dự báo giá dầu trong khoảng 110 - 130 USD/thùng. Còn giá xăng dầu ở Việt Nam hiện vừa tăng mạnh phản ánh giá dầu thô trên thế giới cách đây trên 1 tháng là 120 USD/thùng, do đó, nếu giá dầu thô chỉ xoay quanh 110 USD/thùng thì sẽ có cơ hội điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu hạ lãi suất cho vay trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, nhưng thực tế thị trường cho thấy, lãi suất đã nhích lên ở cả chiều huy động và cho vay. Ông nhận định gì về điều này?
Nền kinh tế thế giới đang chuyển từ giai đoạn tiền nhiều, tiền rẻ sang thời kỳ thanh khoản sẽ thắt chặt hơn và lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh này, theo những dự đoán thận trọng thì lãi suất điều hành của Fed cuối năm nay cũng sẽ vượt 3%/năm. Khi lãi suất USD tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất VND cũng phải tăng lên, nếu không VND sẽ chịu áp lực mất giá mạnh. Nhưng với áp lực lạm phát hiện nay, Việt Nam cũng chưa cần phải nâng lãi suất điều hành, mà để mặt bằng lãi suất trên thị trường tự điều chỉnh.
Với đà phục hồi kinh tế và tín dụng tăng mạnh từ đầu năm đến nay, dự báo, mặt bằng lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ sẽ cao hơn trong thời gian tới. Lãi suất trung hạn và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 - 10 năm cũng đã tăng lên.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất, có ý kiến cho rằng, do thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như “đóng băng” trong mấy tháng qua, khiến cầu vốn tập trung vào hệ thống ngân hàng, tạo sức ép thanh khoản cho một số nhà băng. Ông có cùng quan điểm này?
Chúng ta cần tách bạch rõ hai loại trái phiếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay: một loại do các ngân hàng thương mại phát hành và một loại do doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành. Hai loại trái phiếu này khác hẳn nhau. Trái phiếu do ngân hàng phát hành là một hình thức huy động vốn thay thế cho tiền gửi rồi để cho khách hàng vay. Còn trái phiếu của doanh nghiệp phi ngân hàng (bất động sản, sản xuất công nghiệp…) là thay vì đi vay ngân hàng thì các doanh nghiệp này huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán.
Ngân hàng và bất động sản là hai khu vực phát hành trái phiếu lớn nhất, mỗi ngành chiếm khoảng 40% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Như vậy, trái phiếu ngân hàng và bất động sản chiếm 80% thị trường, 20% còn lại thuộc các lĩnh vực khác.
Việc một số vụ việc vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị xử lý thời gian qua đã cho thấy rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau giai đoạn bùng nổ, nhưng chỉ tập trung ở lĩnh vực bất động sản. Nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn với kênh đầu tư này. Đặc biệt, việc cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản khiến khối lượng trái phiếu phát hành giảm mạnh.
Thực tế là hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ để không cần công bố thông tin. Đáng lẽ theo quy định của pháp luật thì những trái phiếu chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng trên thực tế phần nhiều lại được phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, hay dùng kỹ thuật để phân loại họ thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo quy định của pháp luật, để bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ thì doanh nghiệp phải thực hiện phát hành trái phiếu ra công chúng, đồng thời phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ và minh bạch, phải xin phép các cơ quan chức năng khi phát hành.
Nhưng cũng vì trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được bán chủ yếu cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nên việc kiểm soát lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thách thức với hệ thống ngân hàng là có, đó là tới đây có phải cứu doanh nghiệp bất động sản hay không? Bởi nếu không cho vay nữa thì nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ không trả được lãi và vốn gốc của trái phiếu doanh nghiệp.
Việc Fed nâng lãi suất chắc chắn sẽ có những tác động đến thị trường tài chính của Việt Nam?
Việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất trong nước, tỷ giá, dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư chứng khoán.
Thực ra, đối với các nền kinh tế mới nổi, điều quan ngại nhất luôn luôn là dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Theo quy luật thông thường, khi lãi suất USD thấp thì dòng vốn nước ngoài thường tìm đến các thị trường mới nổi, nơi có lãi suất cao hơn và sẽ rút về khi lãi suất USD tăng lên.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam không tăng lên, thậm chí bị bán ròng, đặc biệt là không có dòng vốn nóng. Nên khác với nhiều nền kinh tế đang phát triển khác, khi Fed tăng mạnh lãi suất, Việt Nam không lo ngại đến những tác động tiêu cực của câu chuyện dòng vốn nước ngoài đảo chiều. Song, chúng ta cũng khó kỳ vọng sẽ huy động thêm dòng vốn này.
Lãi suất USD tăng thì chúng ta phải chấp nhận lãi suất tiền VND đi lên, nếu lãi suất VND không tăng thì VND sẽ mất giá. Do đó, Khi Fed tiếp tục tăng lãi suất là lãi suất USD tăng thì lãi suất VND cũng sẽ tăng lên.
Đối với tỷ giá, mặc dù vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào chứng khoán không cao, nhưng giải ngân vốn FDI là tích cực nên có sự hỗ trợ mạnh cho VND.
Vừa qua, đồng Nhân dân tệ, bảng Anh, Yên Nhật, Euro mất giá rất nhiều, nhưng VND có mức mất giá rất thấp (từ đầu năm đến nay mất giá khoảng 1,1% so với USD trên thị trường chính thức).
Trong điều hành tỷ giá, đang có yếu tố thuận lợi, đó là niềm tin vào thị trường ngoại hối và tỷ giá rất tốt, vì mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang đạt trên 110 tỷ USD. Với nguồn ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng can thiệp khi áp lực tăng cao. Có thể thấy, vừa qua, khi áp lực ngắn hạn xuất hiện thì lượng ngoại tệ cung ra thị trường đều đặn.
Theo quan điểm của ông, liệu có nên để thị trường tự điều tiết “room” tăng trưởng tín dụng?
Trong 5 tháng đầu năm 2022, đà hồi phục kinh tế diễn ra tương đối mạnh. Gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã và đang được Chính phủ triển khai sẽ giúp đảm bảo sự phục hồi mạnh nhưng bền vững.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng rất mạnh tay cho vay và các doanh nghiệp cũng mạnh tay đi vay. Tính đến tháng ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ 2021. Tín dụng tăng phù hợp với diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14% thì tín dụng thời gian tới được dự báo sẽ tăng chậm hơn rất nhiều.
Nếu để tín dụng tăng nhanh ở mức 17-18% sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhìn lại quá khứ, tín dụng tăng mạnh là yếu tố quan trọng nhất gây ra lạm phát.
Những trong điều hành, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, thì các ngân hàng sẽ phải hạn chế mạnh tín dụng trong 6 tháng cuối năm và khan hiếm vốn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, để cân đối các mục tiêu, tôi dự đoán tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ phải vượt 14% trên cơ sở nới room tín dụng, nhưng không thể để tín dụng toàn hệ thống tăng đến 17-18% được. Cũng như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay phải nhìn vào số liệu lạm phát và sức cầu của nền kinh tế trong từng tháng một.