Ông Nguyễn Văn Thời, trao đổi tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 8 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 16/6.

Ông Nguyễn Văn Thời, trao đổi tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 8 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 16/6.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG: Mở room tín dụng là yêu cầu rất bức thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là ý kiến được ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG - HNX) đưa ra trong buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 8 với chủ đề Dấu hỏi lạm phát do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 16/6.

Ngày 16/6, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 8 với chủ đề “Dấu hỏi lạm phát” với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt.

Tại buổi talkshow, ông Thời có hé lộ rằng, TNG có số liệu sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm đang rất tốt với doanh thu đạt 2.482 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và lợi nhuận 5 tháng đầu năm đạt 88 tỷ, tăng 58% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận có cải thiện nhưng chưa nhiều. Ông Thời cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm TNG sẽ đạt được doanh thu vào khoảng 3.212 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt 124 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ.

Khi được hỏi về tình hình xuất khẩu các đơn hàng sang Nga, ông Thời cho biết, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với một công ty của Nga, năm 2021 là hợp đồng trị giá 10 triệu USD sang năm 2022 là hợp đồng lên đến 20 triệu USD. Mặc dù có gặp khó khăn khi cuộc xung đột nổ ra, nhưng sang tháng 3 hàng đã xuất đi trở lại bình thường và ông dự đoán sản lượng để xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sang Nga nói chung và của TNG nói riêng sẽ tăng khoảng 150% trong năm nay.

Đặc biệt, về vấn đề nới room tín dụng, ông Thời nhấn mạnh rằng: "Mở room tín dụng là yêu cầu rất bức thiết và gần như các tổ chức tín dụng giờ đều đã hết room". Vậy nên nhu cầu cấp thiết bây giờ là mở room tín dụng.

Đó là bởi đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nếu không mở room tín dụng thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu các doanh nghiệp phát hành được trái phiếu thì sẽ "dễ thở" hơn. Ông cũng bày tỏ lo ngại, nếu trong kịch bản nới room chậm, sẽ rất ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Nếu so mức ổn định của room tín dụng thường vào khoảng 14%, thì mức hơn 8% hiện nay vẫn đang thấp. Thông qua đây tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu về vấn đề này", ông Thời đề xuất và cho biết thêm, việc kiềm chế lạm phát là nhu cầu bức thiết nhưng việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế là cấp thiết hơn nhiều.

Theo ông Thời, ngoài việc vay vốn thì doanh nghiệp cũng cần nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu, ví dụ như TNG là để bổ sung vốn cho sản xuất - kinh doanh. Bởi vì, quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong mấy năm qua đã mở rộng hơn nhiều với nhiều nhà máy nên các doanh nghiệp cũng đòi hỏi phải đảm bảo cân bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay là 30-70, vì vậy nhu cầu phát hành trái phiếu phục vụ cho đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh là cần thiết. Ông Thời cho biết thêm, vừa rồi TNG đã phát hành gói trái phiếu 300 tỷ đồng và có tận 8 nhà đầu tư đã chuyển đến số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Về kỳ vọng đối với ngành dệt may năm nay, ông Thời dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 43 - 44 tỷ USD. Dấu hiệu đáng mừng là năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được 39 tỷ USD, đúng bằng mức của năm 2019. Tuy nhiên, do tình hình lạm phát, ngành dệt may vẫn sẽ tăng trưởng, nhưng sẽ khó có thể đạt được kỳ vọng tuy vậy vẫn sẽ vượt qua được con số 39 tỷ USD.

Sang mùa vụ sau, từ tháng 8 đến tháng 12 lúc đó sẽ có sự phân hoá rõ ràng giữa các doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là những doanh nghiệp tốt, có uy tín sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn. Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có uy tín thấp thì số lượng đơn hàng sẽ kém hơn. Ông Thời dự phóng toàn ngành dệt may có thể tăng trưởng được 5% trong năm nay, còn riêng đối với TNG thì mức tăng trưởng có thể là trên 10%.

Năm nay, TNG đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận vào khoảng 280 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, TNG khả năng đạt được 3.200 tỷ đồng doanh thu. So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 6 tháng, thì TNG đã vượt mục tiêu. Nhìn chung cả năm, ông Thời nhận định, TNG sẽ đạt được kế hoạch đề ra.

Tin bài liên quan