Ông Tài và Lê Thị Thanh Thúy lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (68 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM) tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3, Điều 219 BLHS năm 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.
Liên quan vụ án, 4 người khác bị xác định vai trò đồng phạm là Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM), Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường).
Riêng Nguyễn Thị Thu Thủy (61 tuổi, cựu Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM) hiện bỏ trốn, bị truy nã, cơ quan điều tra xử lý sau.
Sau hơn 3 tháng điều tra bổ sung theo yêu cầu của các luật sư và VKS, cơ quan điều tra xác định ông Tài có quan hệ tình cảm với Lê Thị Thanh Thúy nên ký hàng loạt quyết định giao khu đất "vàng" gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) cho công ty của bà này không qua đấu thầu, trái với quyết định của Thủ tướng.
Hành vi của ông Tài và đồng phạm gây thiệt hại hơn 250 tỷ đồng - bao gồm 4,7 tỷ là giá trị công trình trên đất lúc xảy ra vụ án và 248 tỷ ngân sách chưa thu hồi được do hành vi giao đất, cho thuê đất trái luật.
Trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Lê Thị Thanh Thúy, Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận: "Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, từ tháng 8/2010 đến hết tháng 1/2011, Thúy không có bệnh tâm thần". Hiện bị can bị bệnh "rối loạn cảm xúc lưỡng cực - hưng cảm nhẹ".
Theo cơ quan điều tra, thời điểm trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, lúc ban hành bản kết luận điều tra bổ sung này, bị can không mắc bệnh tâm thần, không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.
Nhà chức trách cũng điều tra tài sản của các bị can và thực hiện lệnh kê biên 11 bất động sản thuộc sở hữu của ông Kiệt, Nam, Út và Thúy để thu hồi tài sản cho nhà nước.
Đối với các lãnh đạo 4 công ty thuộc Bộ Công Thương gồm: ông Lưu Văn Thăng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP xăng dầu Vitaco), Nguyễn Minh Xuân (Chủ tịch HĐQT Công ty CP kim khí TP HCM), ông Nguyễn Khắc Thám (Chủ tịch HĐQT Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP HCM) và ông Nguyễn Đình Hiền (Chủ tịch HĐQT Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn), cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự bởi không có tài liệu nào chứng minh những người này có hành vi bàn bạc thông đồng với các bị can.
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn.
Kết luận điều tra xác định, năm 2007, khu đất số 8-12 Lê Duẩn do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý, cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở.
Ông Tài đã chấp thuận đề xuất của Công ty quản lý kinh doanh nhà cho thành lập pháp nhân mới, thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại đây. UBND TP HCM sau đó đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương, thành lập Công ty Lavenue thực hiện dự án.
Theo đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà góp vốn 50%; còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương góp (chia đều mỗi công ty là 12,5%).
Tuy nhiên, ngay sau khi được UBND thành phố cho tham gia cổ phần, các công ty của Bộ Công thương sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời 200 tỷ đồng.
Tháng 6/2011, Lavenue được UBND TP HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất để xây khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn.
Giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2) theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng.
Nhà chức trách cho rằng, ông Nguyễn Thành Tài còn chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án là trái quy định; chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại.
"Hành vi này có tính hệ thống, xảy ra trong một thời gian dài, là nguyên nhân chính dẫn đến các vi phạm pháp luật tại dự án số 8-12 Lê Duẩn", kết luận điều tra nêu.
Đối với Lê Thị Thanh Thúy, cơ quan điều tra cho rằng, bà này đã lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài để trục lợi cá nhân.
Thuý gửi văn bản cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, tự nhận là công ty "có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính" để xin tham gia dự án không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án.
Các bị can Kiệt, Nam, Út, bị cho là dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất cho ông Nguyễn Thành Tài ký các quyết định vi phạm pháp luật nên phải chịu trách nhiệm liên đới.
Lúc khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại do ông Tài và đồng phạm gây ra tối thiểu là 2.047 tỷ đồng.