Xử lý nợ xấu qua những con số
Kể từ khi thành lập (năm 2013) đến 24/3/2016, VAMC đã mua nợ xấu của 41 TCTD bằng trái phiếu với số lượng khách hàng là 16.075; tổng số 24.556 khoản nợ tương ứng với 244.082 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc, phát hành 208.636 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 237.350 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. VAMC tiếp tục xem xét đối với các khoản nợ xấu đủ điều kiện để mua nợ xấu của các TCTD trong năm 2016 đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2016, Công ty chỉ mua được 727 tỷ đồng trái phiếu và dư nợ gốc 747 tỷ đồng, bởi hầu hết các TCTD đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức cho phép 3%.
Trong thời gian qua, kết quả thu hồi nợ là điểm khá đặc biệt khi trong chưa đầy 3 tháng, từ 1/1/2016 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 3.217 tỷ đồng (bao gồm thu từ bán nợ/bán tài sản bảo đảm…).
Lũy kế từ năm 2013 đến 24/3/2016, Công ty đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc. Đây là tỷ lệ rất đáng khích lệ do nhiều nguyên nhân: khách hàng chủ động trả nợ; TCTD quyết liệt hơn; có sự phối kết hợp của VAMC với các TCTD trong việc đôn đốc thu hồi nợ, ủy quyền kịp thời để xử lý tài sản đảm bảo.
Cũng phải kể đến hoạt động thi hành án vào cuộc quyết liệt hơn, sự khởi sắc của thị trường bất động sản giai đoạn 2014-2015 khiến việc phát mại tài sản đảm bảo thu được kết quả tốt.
Bên cạnh đó, VAMC đã thực hiện rà soát phân loại khoản nợ theo các biện pháp xử lý nợ như sau: cơ cấu nợ cho 389 khách hàng với tổng dư nợ là 24.735 tỷ đồng; xử lý bằng tài sản đảm bảo cho 4.870 khách hàng với tổng dư nợ là 96.725 tỷ đồng; khởi kiện, thi hành án cho 8.269 khách hàng với tổng dư nợ là 77.473 tỷ đồng và bán nợ cho 47 khách hàng với tổng dư nợ 1.738 tỷ đồng.
Đồng thời, tổ chức cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho 37 khách hàng, số lượng khoản nợ là 79 với dư nợ gốc 110 tỷ đồng; điều chỉnh lãi suất, số lượng khoản nợ là 57 với dư nợ gốc 636 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số lượng khách hàng là 21, số lượng khoản nợ là 58 và dư nợ gốc 784 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC
VAMC đã hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tổ chức bán đầu giá chuyên nghiệp, tổ chức thẩm định giá nhằm chuẩn bị triển khai các hoạt động bán đấu giá tài sản. Năm 2016, Công ty đã lựa chọn được 4 tổ chức thẩm định giá độc lập và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để chuẩn bị cho việc bán đấu giá tài sản theo quy định.
Đặc biệt, VAMC đã trực tiếp thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo của 1 khách hàng với trị giá khoản nợ là 480 tỷ đồng; đồng thời ủy quyền 5.545 trường hợp khởi kiện cho TCTD, trong đó có 3.254 trường hợp đã được VAMC và TCTD khởi kiện đòi nợ.
Ngoài ra, Công ty đã tổng hợp danh sách 687 vụ việc phải thi hành án trên toàn quốc với tổng số tiền thi hành án trên 6.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, VAMC đã chủ động lựa chọn 80 vụ việc (30 tại Hà Nội và 30 tại TP. HCM) để kết hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp triển khai.
Những khó khăn, vướng mắc
Một trong những bất cập lớn nhất trong công tác xử lý nợ xấu là việc ủy quyền cho TCTD khởi kiện khách hàng vay và các bên có liên quan tại các tòa án địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc do giữa các tòa có những cách hiểu các quy định của luật hoặc quan điểm xử lý khác nhau.
Ví dụ, tại Điểm m, Khoản 1, Điều 13, Nghị định 34/2015/NĐ-CP quy định, VAMC “được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Tòa án”.
Tuy nhiên, khi VAMC đã ủy quyền để TCTD tiến hành khởi kiện, một số tòa án địa phương viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 56, Khoản 3, Điều 164, điểm a Khoản 1 Điều 168, điểm i Khoản 1 Điều 192 của Bộ Luật tố tụng dân sự để đình chỉ vụ án, trả lại đơn khởi kiện và yêu cầu VAMC trực tiếp khởi kiện.
Nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ là có, nhưng hiện họ vẫn khá e dè với hành lang pháp lý chưa ổn định.
Hoạt động thi hành án cũng còn có nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về thời hạn ra quyết định thi hành án dân sự, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời, thời hạn cưỡng chế thường kéo dài dẫn đến thi hành án chậm trễ, thời gian thẩm định giá, bán đấu giá kéo dài.
Sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan khác có thẩm quyền trong việc ủy thác thi hành án, tổ chức cưỡng chế còn chưa đồng bộ. Nhiều chủ tài sản, những người thừa kế không hợp tác, bỏ trốn hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự nên cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh địa chỉ cư trú, tống đạt, thông báo niêm yết.
Các cơ quan thi hành án dân sự chưa áp dụng các quy định của pháp luật về việc VAMC được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ chủ nợ trong quá trình thi hành án.
Trên thực tế, thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa phát triển, đối tượng mua bán nợ với VAMC bị hạn chế do phải có chức năng mua bán nợ theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.
Khung pháp lý hiện tại cũng chưa khuyến khích các TCTD bán nợ xấu với giá trị thị trường, từ đó dẫn đến TCTD chưa muốn bán các khoản nợ xấu mà tiếp tục cố gắng tự xử lý với hy vọng thị trường bất động sản hồi phục và giá trị các khoản nợ xấu tăng lên.
Thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa phát triển, đối tượng mua bán nợ với VAMC bị hạn chế...
Những vấn đề trên cho thấy, những thách thức đối với hoạt động của VAMC vẫn hiện hữu do hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, quan điểm của VAMC là không thụ động chờ đợi mà sẽ vận dụng tối đa cơ chế hiện hành để triển khai nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất.
Nhóm giải pháp tổng lực
Năm 2016, VAMC sẽ phối kết hợp với các TCTD xử lý xong khoản nợ xấu đã mua, mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt các khoản nợ đủ điều kiện và được phép mua. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát hành khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu, giảm một nửa so với năm trước.
Cũng trong năm nay, VAMC sẽ đốc thúc triển khai mua nợ theo giá thị trường dựa vào nhu cầu bán nợ của các TCTD với tổng dư nợ là 11.280 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ sử dụng số vốn 2.000 tỷ đồng để mua dự kiến mua khoảng 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu và sẽ cố gắng năm 2016 triển khai thí điểm đạt kết quả cao.
Kế hoạch đặt ra trong năm 2016 trong việc thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 30.000 -35.000 tỷ đồng, một chỉ tiêu vượt gần gấp đôi so với năm 2015 là khoảng 17.000 tỷ đồng. Với khối lượng như vậy, không thể nói VAMC chỉ đút túi trái, bỏ túi phải, mà phải làm và làm một cách ráo riết mới có thể hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt, định hướng chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu lại doanh nghiệp khách nợ để bán nợ thời gian trước mặc dù đã có chủ trương nhưng chưa thể triển khai vì chưa có đủ thời gian, cán bộ có năng lực. Năm 2016, VAMC sẽ đầu tư xứng đáng cho hoạt động này.
Phân loại nợ và thu hồi nợ cũng là một trong những biện pháp sẽ được thực hiện trong năm 2016. Hiện nay, VAMC đã thành lập 2 đoàn công tác tại hai miền Nam - Bắc, tập trung vào 5 TCTD. Mục tiêu chủ yếu là nhằm phân loại để xác định nếu khách hàng cơ cấu được nợ sẽ xem xét cơ cấu; phối kết hợp tốt để xử lý tài sản đảm bảo sẽ bán để thu hồi nợ; kiên quyết đôn đốc thu hồi, nếu chây ỳ sẽ khởi kiện hoặc thi hành các biện pháp cưỡng chế; bán tài sản đảm bảo và bán nợ thông qua đấu giá…
Theo VAMC, để đẩy mạnh việc bán nợ xấu, bên cạnh việc phải có thị trường mua bán nợ thì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này là rất quan trọng. Nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ là có, nhưng hiện họ vẫn khá e dè với hành lang pháp lý chưa ổn định. Chính vì vậy, cần sớm xác định cơ chế cho sự tham gia của đối tượng này một cách minh bạch và nhất quán.
Bên cạnh đó, một băn khoăn đặt ra là nếu cứ phát mại tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu trong khi khách hàng không đồng thuận mà sau này giá tăng lên dẫn đến khiếu kiện, khi đó hành lang pháp lý bảo vệ rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, cần có luật về xử lý nợ xấu quy định thống nhất và chi tiết các vấn đề liên quan đến xử lý nợ, tài sản đảm bảo… đang nằm rải rác tại Luật Đất đai, Luật Dân sự…
Đặc biệt, trong giai đoạn xử lý nợ xấu là nhiệm vụ cấp thiết như hiện nay, rất cần có một Nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm xác định rõ trách nhiệm của người đi vay, cho vay, xử lý nợ…, để có hành lang pháp lý bảo vệ VAMC và cán bộ trong hoạt động đầy phức tạp và không thiếu những rủi ro này.