Năm 2015, PAN tiếp tục thực hiện chiến lược M&A. Thông qua công ty con là PAN Food, PAN hoàn tất thương vụ mua lại 42,3% vốn điều lệ của Bibica; chào mua công khai và đăng ký mua qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh cổ phiếu NSC, nâng tỷ lệ sở hữu tại NSC lên 75%; chuyển sở hữu của PAN mẹ ở ABT, LAF sang PAN Food. Mục tiêu của PAN Food là trở thành công ty hàng đầu về lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động R&D, nghiên cứu phát triển các sản phẩm có lợi nhuận cao.
Năm 2016, PAN đặt chỉ tiêu doanh thu thuần 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 295 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền 10%.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Có thể kỳ vọng 3 năm nữa có một tập đoàn thực phẩm không chỉ mạnh ở trong nước mà còn lấp ló đi ra thị trường nước ngoài. PAN cần có những nhân sự mới để cùng thực hiện chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn, tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thế giới. Đó là sứ mệnh của PAN trong thời gian tới”.
PAN cũng sẽ ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định thực hiện bỏ hạn chế tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trả lời câu hỏi của Quỹ PYN, ông Hưng cho biết, PAN mới nhận được giấy phép bán gạo vào hệ thống siêu thị và quý sau sẽ có doanh thu từ gạo.
Về việc nới room, Hưng cho biết luôn đánh giá NĐT nước ngoài và trong nước như nhau, nhưng với một công ty sở hữu hai công ty giống cây trồng như PAN thì khả năng được mở room không nhanh. Tuy nhiên, sau khi vào TPP thì điều đó đương nhiên sẽ xảy ra, nên PAN sẽ làm hết mức để thúc đẩy việc mở room được thực hiện nhanh nhất.
Năm 2015, doanh thu của PAN có sự dịch chuyển rõ nét, phản ánh sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh với tỷ trọng chính đến từ nông nghiệp là 47% và thực phẩm bao gồm thủy sản và chế biến thực phẩm chiếm 38% và giảm dần tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực truyền thống là dịch vụ tòa nhà còn 15%.