Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại buổi họp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại buổi họp.

Ông Nguyễn Đức Chung: Thành phố Hà Nội sẽ “hạ nhiệt” từ từ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến ngày 22/4, nếu không phát hiện ca dương tính virus corona mới thì có thể hạ mức cảnh báo.

Chiều ngày 20/4, kết luận buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã sang ngày thứ 7 chưa phát hiện ca dương tính mới.

“Chúng ta đã đi được 80 ngày phòng chống Covid-19, trong đó có những thời điểm tưởng như không vượt qua được nhưng đến nay vẫn làm chủ được tình hình”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ học trên thế giới, đến ngày 22/4, nếu trên địa bàn không phát hiện ca dương tính mới thì có thể hạ mức cảnh báo. Tuy nhiên, TP sẽ hạ nhiệt một cách từ từ, chứ không “giải phóng” toàn bộ.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP đang giao các đơn vị liên quan soạn thảo kế hoạch nới lỏng cách ly xã hội dựa trên căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng.

“Chỉ đạo mới của TP chắc chắn sẽ không dỡ hết yêu cầu phong tỏa. Những vùng có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín… vẫn phải phòng chống dịch bệnh một cách mạnh mẽ. Chúng ta không được chủ quan, bởi đã có rất nhiều bài học trên thế giới rồi”, ông Chung nhấn mạnh.

Trên địa bàn TP Hà Nội vừa xuất hiện ca dương tính trở lại (bệnh nhân 188), sau khi từ bệnh viện về nhà cách ly.

Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng, trên thế giới nhiều nước có tình trạng tái nhiễm như vậy. Do vậy, theo ông Chung tất cả bệnh nhân được về nhà nên khuyến khích tự cách ly thêm 30 ngày.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, hiện chưa có vắc xin hay thuốc điều trị loại virus corona. Trên thế giới có nhiều hãng dược đang chạy đua điều chế vắc xin phòng chống virus corona.

Tuy nhiên, tiềm năng nhất đến cuối năm nay có vắc xin này thuộc về 3 hãng dược, trong đó 1 của Đức và 2 của Mỹ.

Tránh lãng phí vật tư y tế chống dịch

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn yêu cầu Sở Y tế rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua ở các quận huyện. Qua đó, báo cáo lại Ban chỉ đạo TP số lượng thiết bị đã mua và tiếp tục triển khai mua sắm trang thiết bị thiết yếu khác.

Ông Chung giao Sở Công Thương Hà Nội thành lập đoàn liên ngành cùng sở Tài chính, Công an TP rà soát lại toàn bộ quá trình mua sắm trang thiết bị y tế từ các bệnh viện đến các công ty cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư cho các hoạt động chống dịch.

“Qua việc kiểm tra này để đánh giá các đơn vị này có đủ năng lực hay không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không. Sở Công Thương rà soát về giá trang thiết bị y tế; Sở Tài chính tham gia kiểm tra về đơn giá, định mức để xem các đơn vị thực hiện có hiệu quả hay không, mua bao nhiêu, còn bao nhiêu”, ông Chung giao nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đức Chung: Thành phố Hà Nội sẽ “hạ nhiệt” từ từ ảnh 1

Chốt kiểm soát được thiết lập trên địa bàn xã Dũng Tiến, nơi phát hiện ca mắc 266. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm từ đợt phòng chống dịch Sars năm 2003, khi đó nhiều đơn vị thi nhau mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhưng sau đó bị thừa. “Với dịch bệnh thì chúng ta không tiếc, nhưng chúng ta phải đảm bảo tính hiệu quả”, ông Chung nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chung - đoàn liên ngành có thể mời HĐND TP vào cuộc cùng kiểm tra, giám sát.

Chủ tịch Hà Nội thông tin, vào cuối tuần này Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP sẽ tổ chức cuộc họp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống Covid-19.

Từ đó, TP sẽ chấn chỉnh lại công tác này để đảm bảo đúng đủ, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Tin bài liên quan