Nhìn lại tăng trưởng GDP quý I, với mức tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong quý I của 10 năm trở lại đây, ông có ý kiến gì?
Đã có nhiều phân tích. Kinh tế thế giới phục hồi, dù có những dấu hiệu của cuộc chiến tranh thương mại. Trong nước, các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện, thị trường thuận lợi, môi trường kinh doanh, tín nhiệm của Việt Nam gia tăng mạnh trên các bảng xếp hạng…
Nhưng theo tôi, cơ sở để GDP quý I/2018 tăng cao và để tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng này trong thời gian tới là những cải thiện ở phần cung của nền kinh tế mà Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đã đạt được trong thời gian qua.
Đây là sự khác biệt so với những giai đoạn tăng trưởng nhờ chính sách kích cầu.
Cụ thể những cải thiện đó là gì, thưa ông?
Cải cách trong nước đã tạo ra hiệu ứng rất rõ rệt. Quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp tốt hơn.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn, theo nghĩa là mọi việc gia nhập thị trường nhanh hơn, ít tốn kém hơn, hoạt động kinh doanh chi phí giảm đi…
Niềm tin của doanh nghiệp và thị trường tăng lên, doanh nghiệp có xu hướng mở rộng kinh doanh hơn, lợi nhuận nhiều hơn…
Các hiệu ứng trên tạo nên hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, nghĩa là những thay đổi trong nền kinh tế mang tính nền tảng, làm cơ sở để tốc độ tăng trưởng GDP hồi phục, tăng mạnh.
Tôi nhìn thấy xu hướng tăng, chứ không thấy khó khăn trong tăng trưởng GDP của năm nay
Nhìn lại giai đoạn 2001-2005, kinh tế Việt Nam có nhiều đặc điểm khá tương đồng với hiện tại.
Nền kinh tế cũng không có các điều kiện nổi trội đặc biệt, ngoài nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 1999, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh và cơ hội mới của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2001.
Thời điểm đó, cả nền kinh tế háo hức vào cuộc với tinh thần kinh doanh mới, cơ hội kinh doanh mới.
Năm 2000, có 14.453 doanh nghiệp thành lập mới, đến năm 2002 là 21.668 và năm 2005 là 39.958 doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn không khí cắt giảm điều kiện kinh doanh, mở thị trường cho doanh nghiệp tư nhân lên cao.
Hiệu ứng tích cực thể hiện ngay ở tốc độ tăng trưởng những năm sau. Năm 2001, GDP tăng 6,89%; năm 2002 tăng 7,08%; năm 2003 tăng 7,34%; năm 2004 tăng 7,79%; năm 2005 tăng 8,44%...
Năm nay, các điều kiện diễn ra tương tự, nhưng quy mô rộng hơn. Khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn hơn, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có đóng góp lớn vào hiệu quả tăng trưởng kinh tế.
Nỗ lực cải cách của Chính phủ lớn hơn, tác động ở diện rộng, cả từ hệ thống pháp luật đến cơ chế thực thi. Kỷ luật hành chính được đẩy cao. Sự chuyển dịch trong nền kinh tế bắt đầu rõ nét, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp của khu vực tư nhân.
Doanh nghiệp nhà nước đã có biến động tích cực do áp lực tái cơ cấu, cổ phần hóa.
Đây là cơ sở để không có lý gì băn khoăn về tốc độ tăng trưởng quý I, cũng như xu hướng tiếp tục tăng vào các quý tiếp sau. Hơn thế, tăng tưởng cao hơn của nền kinh tế đang đi cùng với sự cải thiện về chất lượng.
Không ít chuyên gia lo ngại khả năng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế vào các quý sau, khi một số động lực tăng trưởng ở khu vực FDI có thể chưa có thêm nguồn lực mới?
Chúng ta phải sòng phẳng với những đóng góp của các động lực tăng trưởng trong nền kinh tế, phải nhìn thấy sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, chứ không chỉ trông vào khu vực FDI.
Tại sao tính tăng trưởng không nhìn vào những động lực mang tính nền tảng là sự cải thiện của môi trường kinh doanh, là sự lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Trong lúc này, động lực của tăng trưởng là nhờ cải cách. Tốc độ tăng trưởng thế nào sẽ phụ thuộc vào tốc độ và chất lượng cải cách tiếp theo.
Tôi nhìn thấy xu hướng tăng, chứ không thấy khó khăn trong tăng trưởng GDP của năm nay.
Bởi vì với những quyết tâm cải cách liên tục trong 2 năm vừa qua, tôi tin Chính phủ sẽ thúc đẩy cải cách mạnh hơn nữa, kỷ luật hành chính nghiêm khắc hơn để đảm bảo các mục tiêu cải cách được thực thi.
Năm nay, mục tiêu cải cách lớn, rộng, ví như riêng yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ tác động tới cả hệ thống quy định pháp luật cũng như hành vi ứng xử trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Nhưng cũng đang có những bước đi chậm lại, thưa ông?
Thực tế có tình trạng hình thức, đối phó trong thực hiện yêu cầu trên của Chính phủ. Chúng tôi phát hiện khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ.
Đây là việc cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, để đảm bảo cắt giảm điều kiện kinh doanh là cắt giảm thực sự, cắt đúng như Thủ tướng nói, thay đổi cách làm việc.
Tương tự như vậy với kiểm tra chuyên ngành, cải tiến thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, cũng như cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…
Đó là những động lực tạo ra tăng trưởng những quý tới, những năm tới, chứ không phải là tăng trưởng tín dụng, tăng đầu tư…
Hơn thế, nền kinh tế đã có bài học lớn từ các chính sách kích cầu, tăng trưởng nóng giai đoạn 2008-2011, nên cả Chính phủ, doanh nghiệp đều hiểu rõ yêu cầu kiểm soát tín dụng chất lượng hơn, kiểm soát kinh tế vĩ mô chặt chẽ hơn, kiểm soát chất lượng các khoản đầu tư.