Trong ngày hôm nay, 13/10, 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông muốn chia sẻ điều gì nhất trong ngày ông coi là đặc biệt này?
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ngày càng đông đảo. Họ tạo việc làm, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Theo tôi, những đóng góp của khu vực này vào sự phát triển của nền kinh ế chưa được tính đúng, tính đủ.
Có lẽ, chúng ta phải nhìn nhận một cách sòng phẳng hơn đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, để thực sự ghi nhận vai trò của khu vực này.
Cho dù vậy, thì chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân lại được nhìn nhận đúng vai trò trong nền kinh tế như bây giờ, thưa ông?
Vấn đề không phải là khu vực tư nhân được nhìn nhận đúng mà phải là chúng ta nhìn nhận đúng vai trò của khu vực này.
Ở nền kinh tế thị trường phát triển, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, dường như vẫn có cái gì đó lo ngại về sự lớn mạnh của khu vực này. Hệ quả là giai đoạn vừa qua, tình trạng lúc mở, lúc đóng với sự phát triển của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp rất khó lớn lên, thậm chí không thể lớn. Một số doanh nghiệp thì chọn cách không lớn để đảm bảo an toàn...
Nhưng phải thẳng thắng, không có kinh tế tư nhân, không thể duy trì sự phát triển của kinh tế - xã hội. Để khu vực này phát triển, thì phải có môi trường, cơ chế, chính sách để các doanh nhân tư nhân không sợ lớn. Hay nói cách khác, nếu họ muốn lớn thì sẽ có cơ hội lớn bằng đúng tài năng, trí tuệ của họ.
Lâu nay ông vẫn cho rằng, phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ, rất nhỏ vì họ không muốn lớn?
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 2 vấn đề cần xử lý. Một là sợ lớn và hai là không muốn lớn.
Ai cũng hiểu, trong một môi trường tự do, an toàn, minh bạch thì người kinh doanh sẽ an tâm kinh doanh, có thể không làm lớn, nhưng không sợ lớn. Đặc biệt, những người muốn làm ăn lớn sẽ sẵn sàng làm hết sức, phát huy hết tăng năng để lớn lên mà không lo ngại gì. Điều quan trọng là họ cảm thấy an toàn, an toàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và an toàn trong bảo vệ tài sản mà họ làm ra. Khi đó, sẽ không có đất cho những người muốn lớn nhờ quan hệ thân hữu.
Đây là các vấn đề mà hệ thống thể chế về môi trương kinh doanh phải xử lý.
Điều gì khiến doanh nghiệp Việt Nam không muốn lớn, thưa ông?
Luật lệ của ta vẫn không rõ ràng, không cụ thẻ, không hiệu quả, không tiên liệu được... Kết hợp với đội ngũ công chức tùy ý, tùy tiện, đặc biệt đội ngũ thanh tra, kiểm tra... khiến hoạt động kinh doanh luôn ở thế bất an.
Tôi muốn nhăc đến nhiều hơn cái tâm của người công chức. Có thể với xu thế phát triển, công chức, và cả doanh nghiệp có thể chưa bắt kịp, còn va vấp, nhưng nếu có tâm, thì các vấn đề về cơ chế, chính sách sẽ theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hoạt động, ý tưởng kinh doanh được thực hiện lành mạnh. Họ sẽ đến với doanh nghiệp theo nghĩa hướng dẫn, thúc đẩy tuân thủ pháp luật.
Nếu không có tâm, thì trong bối cảnh này, công chức sẽ đến doanh nghiệp để bắt lỗi, phát hiện vi phạm vì tư lợi nhiều hơn.
Nhiều khi giết một doanh nghiệp nhanh hơn cả thành lập 1 doanh nghiệp mới. Chỉ cần thanh tra đến kiểm tra, báo chí hay đối thủ lợi dụng thông tin này tung lên là doanh nghiệp có thể mất tất cả, cả sự nghiệp và có khi cả sinh mạng chính trị..
Môi trường kinh doanh vì thế mà khó cải thiện một cách thực chất. Nhiều doanh nhân vì vậy cũng không muốn làm lớn, sợ lớn; thích phi chính thức hơn là chính thức.
Phải chăng vì vậy mà hình ảnh của doanh nhân Việt vẫn còn nhiều điểm gợn, kể cả các tỷ phú là những người đại diện cho sự thành công trong kinh doanh?
Các tỷ phú Việt Nam có thể rất giỏi, nhưng thực sự vẫn chưa đáng tin trong lòng cộng đồng chính vì các điều trên. Vì xã hội vấn đang nhìn nhận sự thành công, giàu có của họ vì thân hữu, vì tận dụng cơ chế, chính sách... chứ không vì tài năng.
Đó là những điều mà môi trường kinh doanh phai thay đổi để thực sự những người có tài thể hiện tài năng một cách công khai, minh bạch. Vì phải nói rõ là những doanh nhân thành công là những người có tài.
Nhưng doanh nghiệp cũng phải làm nhiều việc hơn nữa để thay đổi hình ảnh. Phải kết nối cộng đồng hơn, mang tính dẫn dắt nhiều hơn. Đặc biệt, các tỷ phú của Việt Nam phải là hình ảnh của những doanh nhân có triết lý kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước...
Ở góc độ thể chế, cần có những thay đổi gì đề hậu thuẫn cho triết lý kinh doanh vì sự phát triển như ông nói?
Đầu tiên phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật.
Tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản...
Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu.
Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Yêu cầu đầu tiên có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa. Hãy để các bên tự bảo vệ quyền của mình, cả bên Nhà nước và doanh nghiệp bằng cơ chế tòa án. Kinh tế thị trường cần sự phát triển của hệ thống tòa án...