Ông Hoàng Vĩnh Bảo nói, về nguyên tắc với kết luận thanh tra thì cơ quan, tổ chức liên quan có quyền ra văn bản kiến nghị, giải trình. Lúc đó Bộ quan niệm AVG và MobiFone có thoả thuận với nhau là AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mà trước đây MobiFone đã bỏ ra để mua cổ phần của AVG, đồng thời cam kết tính cả lãi theo quy định. Bộ cho như vậy là không thất thoát. Tuy nhiên, bây giờ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận như trên thì quan điểm của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông là tuân thủ, thực hiện nghiêm kết luận thanh tra cũng như kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Trả lời câu hỏi cơ quan công an đã có trao đổi với Bộ Thông tin Truyền thông về các diễn tiến tiếp theo của vụ này hay chưa, ông Bảo nói: “Đến nay tôi chưa biết có việc đó, có lẽ nội dung này nên hỏi Bộ Công an thì chính xác hơn”.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp cũng về vụ MobiFone mua cổ phần AVG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, trước khi Uỷ ban kiểm tra Trung ương ra thông báo thì Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận số 355 ngày 14/3. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan kiểm điểm theo kết luận của thanh tra.
“Với kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, trong đó có cả trách nhiệm Văn phòng Chính phủ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Dự án MobiFone mua cổ phần AVG được tổng công ty này công bố hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, đầu tháng 3, hai bên thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng và hoàn trả lại những gì đã nhận từ đối tác. Sau đó, tại kết luận Thanh tra Chính phủ công bố giữa tháng 3 đã chỉ rõ những vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng của dự án này, từ việc đề xuất đầu tư, lập, thẩm định dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư đến thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.
Đầu tháng 5 vừa qua, MobiFone đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông về việc phía nhóm cổ đông AVG đã trả hơn 8.500 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan. Tuy nhiên, MobiFone đề nghị Bộ có hướng dẫn các bước tiếp theo cũng như đề nghị Thanh tra Chính phủ xác định số tiền các cổ đông chuyển nhượng để thực hiện đúng quy định.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã nhận được câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của cơ quan này về “sai phạm rất nghiêm trọng” của ông Trần Bắc Hà trong thời gian điều hành BIDV theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
"Ngân hàng Nhà nước đã nhận được thông tin và sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương", bà Hồng khẳng định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, kết luận của cơ quan kiểm tra sẽ giúp BIDV, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng rà soát lại chính sách, tổ chức thực hiện để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh hơn.
Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được thông báo hôm nay 2/6 đã đề cập đến sai phạm của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV và Ban cán sự Đảng ngân hàng này. Ngoài nêu rõ vi phạm "rất nghiêm trọng" của ông Hà, cơ quan kiểm tra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm của BIDV.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.
Quy định về lao động của phi công "ưu tiên an toàn"
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật nhận được câu hỏi về việc một nhóm phi công Vietnam Airlines vừa gửi văn bản đến Chính phủ, kiến nghị các nội dung của thông tư 41 và thông tư 21 do Bộ này ban hành.
Ông Nguyễn Nhật cho hay, Luật Hàng không dân dụng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Giao thông quy định về chế độ lao động đặc thù với nhân viên hàng không.
Hai thông tư trên được Bộ ban hành nhằm điều chỉnh người lao động trong lĩnh vực hàng không; đây là lĩnh vực đặc biệt vì liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh hàng không...
Theo quy định của Thông tư, nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng 180 ngày. Còn quy định tại Luật Lao động thì nêu, người lao động ký hợp đồng không thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.
Như vậy Luật Lao động chỉ quy định mức độ tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa.
Hơn nữa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với luật khác cùng nội dung liên quan đến hàng không thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước được ưu tiên sử dụng các quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, vì sự an toàn của ngành hàng không.
Trước đó, trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong thông tư 41 và thông tư 2, và cho rằng hai thông tư của Bộ Giao thông, Vietnam Airlines đã đưa ra những khoản bồi hoàn vô lý và quá lớn so với người lao động (từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng) nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ Luật Lao động. Ngoài ra, buộc phi công thôi việc phải báo trước 120 ngày là không phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động.