“Ông lớn” Uber liên tục gặp rắc rối

“Ông lớn” Uber liên tục gặp rắc rối

(ĐTCK) Uber đang trải qua thời kỳ sóng gió nhất trong lịch sử hoạt động của hãng. Từ đầu năm 2017 đến nay, gần như tuần nào trên mặt báo cũng xuất hiện thông tin về một vụ kiện hoặc bê bối mới liên quan đến startup được định giá 70 tỷ USD này.

Từ hồi tháng 1, Giám đốc điều hành (CEO) Travis Kalanick của Uber đã bị chỉ trích khi tham gia vào Ban cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và bị cáo buộc đã can thiệp vào một vụ đình công của giới tài xế taxi phản đối lệnh cấm của ông Trump đối với người tị nạn. Một chiến dịch có tên #DeleteUber ra đời, hô hào mọi người ngừng sử dụng dịch vụ chia sẻ xe này.

Sau đó, các mối lo ngại về văn hóa Uber ngày càng gia tăng khi một cựu nhân viên của công ty “kể tội” sếp Uber quấy rối tình dục cô và một tài xế Uber đăng tải đoạn video cho thấy cách ứng xử thô lỗ của CEO Kalanick. Uber còn dính vào bê bối sử dụng phần mềm Greyball để qua mặt nhà chức trách, tránh bị phát hiện khi hoạt động tại những nơi không được cấp phép.

Nỗ lực phát triển xe tự lái của Uber cũng gặp không ít trở ngại. Vào tháng 2, Waymo, một hãng xe tự lái thuộc sở hữu của Alphabet - công ty mẹ của Google, đã kiện Uber với tuyên bố rằng Anthony Levandowski, cựu kỹ sư của Google và hiện là lãnh đạo hàng đầu tại Uber, đã ăn cắp 14.000 tài liệu mật trước khi rời Google.

Theo đó, Waymo đã yêu cầu một thẩm phán cấm Uber sử dụng công nghệ LIDAR - công nghệ sử dụng tia laser định hướng, cho phép quét khu vực xung quanh của chiếc xe theo hình ảnh không gian 3 chiều. Phía Uber đã phủ định và tuyên bố rằng đã bắt đầu phát triển công nghệ LIDAR của riêng mình gần một năm trước khi thuê Levandowski.

Tuy vậy, những cáo buộc của Waymo được cho là mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại trong dài hạn về tài chính của Uber. Nếu Uber có thể chuyển mình thành một đội xe tự lái, hãng có thể giảm giá vé cho khách hàng, gia tăng nhu cầu người dùng và cả lợi nhuận của họ. Song, nếu Waymo chứng minh được rằng Uber đang sử dụng công nghệ ăn cắp, tương lai của Uber có thể sẽ bị đe dọa.

Mới đây, theo một đơn kiện khác, dịch vụ gọi xe Uber vừa bị tố gian lận, thao túng dữ liệu điều hướng - dữ liệu được dùng để xác định chi phí chuyến đi cho khách hàng cũng như trả tiền cho lái xe. Theo đó, khi một khách hàng sử dụng Uber để gọi xe, chi phí mà ứng dụng hiển thị cho khách hàng thấy được dựa trên một lộ trình dài hơn và chậm hơn; còn tài xế Uber sẽ bị phần mềm hiển thị một lộ trình nhanh hơn, ngắn hơn.

Nghĩa là, hành khách phải trả mức phí cao hơn còn lái xe thì được trả tiền cho một lộ trình rẻ và nhanh hơn. Uber đã giữ lại phần chênh lệch từ sự khác biệt về lộ trình này, bên cạnh phí dịch vụ và phí đặt xe mà họ không tiết lộ cho tài xế biết - theo thông tin trong đơn. Phía Uber đã từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này.

Gần đây nhất, Uber tiếp tục lún sâu hơn vào vũng bùn khủng hoảng khi bị cấm hoạt động, cấm quảng cáo các dịch vụ của mình tại Italia. Phán quyết trên được đưa ra sau khi liên minh các hiệp hội taxi ở Italia tiến hành khởi kiện Uber. Thẩm phán thụ lý vụ việc xác định, các dịch vụ hiện tại của Uber đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh ở nước này.

Theo đó, Uber có 10 ngày để phản hồi chính thức về phán quyết và sau đó có thể được phép hoạt động thêm 2 tháng nữa trong thời gian kháng cáo. Nếu vị thẩm phán thứ hai phê chuẩn phán quyết ban đầu, Uber sẽ phải chính thức “bỏ cuộc chơi” ở Italia. Nếu chống lại lệnh cấm, Công ty sẽ bị phạt 10.600 USD cho mỗi ngày còn hoạt động.

Trước khi bị cấm cửa tại Italia, Uber cũng đã để thua trong vụ kiện pháp lý tại Đan Mạch. Theo đó, Tòa án Đan Mạch đã đưa ra phán quyết cho rằng, Uber cung cấp dịch vụ taxi bất hợp pháp chứ không phải là ứng dụng đi chung xe. Uber cho biết sẽ “phục vụ những hành khách cuối cùng tại Đan Mạch vào ngày 18/4” và sẽ chính thức đóng cửa sau khi Chính phủ nước này siết chặt quản lý.

Ngoài ra, Uber cũng gặp rắc rối liên quan đến pháp lý ở nhiều nước châu Âu khác. Cuối năm nay, Tòa án châu Âu sẽ quyết định liệu Uber có phải là công ty vận tải hay chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số. Nếu được phán quyết là công ty vận tải, Uber sẽ phải tuân thủ các quy định cấp phép, bảo hiểm và an toàn nghiêm ngặt hơn, khiến cho chi phí ở khu vực châu Âu tăng mạnh. Một tòa án Anh cũng sẽ sớm đưa ra phán quyết liệu Uber có phải trả thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu nhập từ dịch vụ của mình.

Khủng hoảng hiện tại ở Uber cho thấy đã đến lúc startup này cần một hệ thống quản trị chuyên nghiệp hơn. Việc phải chiến đấu cùng lúc trên nhiều mặt trận khiến CEO Kalanick khó có thể giải quyết gọn ghẽ mọi vấn đề. Nhiệm vụ cấp bách của ông là tìm được người phò tá đủ năng lực để chèo lái Uber khỏi đám mây mù trước khi tiến đến việc niêm yết.

Tin bài liên quan