“Ông lớn” ngành xây dựng CC1: Lợi nhuận gộp tăng trưởng, cổ phiếu tăng kỷ lục theo sức nóng sân bay Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong quý I và quý II/2023, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CC1 - UPCoM) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt lần lượt 545,8 tỷ đồng và 1.236,07 tỷ đồng.
“Ông lớn” ngành xây dựng CC1: Lợi nhuận gộp tăng trưởng, cổ phiếu tăng kỷ lục theo sức nóng sân bay Long Thành

Trong đó, lợi nhuận gộp có sự tăng trưởng đầy khởi sắc khi trong quý I đạt mức 54,19 tỷ đồng và tăng lên đạt mức 108,82 tỷ đồng trong quý II. Thị giá của CC1 cũng có những phiên tăng kỷ lục.

Doanh thu và lợi nhuận gộp của CC1 trong quý II/2023 tăng trưởng so với quý I/2023 (Nguồn: BCTC - Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Doanh thu và lợi nhuận gộp của CC1 trong quý II/2023 tăng trưởng so với quý I/2023 (Nguồn: BCTC - Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Trong quý II/2023, chi phí quản lý doanh nghiệp của CC1 giảm 35% so với cùng kỳ từ mức 68 tỷ đồng xuống còn 44,5 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng 21% từ 103,8 tỷ đồng lên 125,2 tỷ đồng theo xu hướng chung của biến động tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Lợi nhuận trước thuế của hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 là 7,8 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quy định để xác định nghĩa vụ thuế tạm nộp là 10,3 tỷ đồng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh là âm 2,5 tỷ đồng.

Như vậy, 6 tháng đầu năm 2023, CC1 được đánh giá là đã hoạt động hiệu quả với lợi nhuận trước thuế là 18,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5,8 tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói chung gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành Xây dựng.

Về chất lượng tài sản, các khoản công nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm đáng kể từ 2.299 tỷ đồng đầu năm xuống mức hơn 1.272 tỷ đồng tại cuối quý II/2023 cho thấy tốc độ thu hồi công nợ của CC1 đã được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp đạt 2.497 tỷ đồng tăng 17% so với đầu năm, tập trung ở các dự án: tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình 1.810 tỷ đồng, Khu dân cư Hạnh Phúc 569 tỷ đồng, điện gió Hàm Kiệm – Bình Thuận 76 tỷ đồng…

Về nguồn vốn, nợ phải trả người bán ngắn hạn của CC1 đã giảm đáng kể gần 500 tỷ đồng, trong khi dư nợ vay ngắn hạn giảm gần 200 tỷ đồng duy trì ở mức 2.048 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của CC1 đạt 4.502 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với đầu kỳ. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của CC1 đã được cải thiện đáng kể từ mức âm 2.343 tỷ đồng cùng kỳ giảm xuống còn âm 814 tỷ đồng. Cụ thể giảm khoản phải thu 872 tỷ đồng, giảm hàng tồn kho 197 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính của CC1 cũng có sự thay đổi khi dòng tiền vay trả xuống còn 2.063 tỷ đồng/1.486 tỷ đồng, giảm lần lượt 45% và 44% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, với việc giảm được công nợ phải thu và giảm dòng tiền đi vay mới cho thấy CC1 đã kiểm soát tốt hoạt động tài chính. Tiền và tương đương tiền cuối kỳ duy trì ở 896 tỷ đồng tương đương với mức cùng kỳ là 931 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm 2023, CC1 liên tiếp trúng thầu nhiều dự án có vốn đầu tư công. Trong đó phải có 4 dự án nổi bật mà CC1 đã trúng thầu trong 7 tháng đầu năm có tổng giá trị 13.581 tỷ đồng gồm:

Dự án Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang 7.555 tỷ đồng, liên danh gồm Trường Sơn - G36 - CC1 - VNCN E&C - Tân Nam thực hiện gói thầu;

Dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong 4.440 tỷ đồng do Liên danh CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C – CC1 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thực hiện.

Dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột 1.467 tỷ đồng do CC1- CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam thực hiện và dự án xây dựng đường trục trung tâm TP Biên Hòa (Đồng Nai) 119 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, CC1 là doanh nghiệp có giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất. Theo đó, CC1 tham gia tới 4 liên danh, đảm nhận bốn gói thầu ở các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Tổng giá trị các gói thầu này vào mức 19.430 tỷ đồng.

Do đặc thù của ngành xây dựng, trong giai đoạn đầu triển khai dự án, tập trung vào các khâu chuẩn bị máy móc thiết bị, thiết lập nguồn cung cấp nguyên vật liệu và bàn giao mặt bằng thi công thì chưa ghi nhận được nhiều doanh thu mà sẽ tập trung đẩy mạnh khi dự án đã vào nhịp thi công, chủ yếu từ giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023. Cùng với đó, các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc giải ngân dòng vốn đầu tư công để kích thích phát triển kinh tế là tiền đề quan trọng để dự báo doanh thu và lợi nhuận của CC1 sẽ có tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng cuối năm.

Trên thị trường cổ phiếu, thị giá của CC1 cũng nóng lên theo sức nóng của cuộc đua giành gói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng ở dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi tăng trần ở nhiều phiên giao dịch. Đơn cử như phiên giao dịch ngày 1/8 chốt phiên ở mức 19.800 đồng/cổ phiếu (tăng 14,45%), phiên 2/8 chốt phiên ở mức 21.800 đồng/cổ phiếu (tăng 14,74%). Đây là mức tăng kỷ lục của cổ phiếu này trong 12 tháng qua.

Được biết, CC1 là thành viên trong liên danh Vietur đang tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc dự án thành phần 3 của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án Sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.

Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Công ty cổ phần Kết cấu Thép ATAD, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Ngày 1/8 vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã công bố nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 là liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS thành viên của IC Holding Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán VietCap (VCSC), ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng, tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế, tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 - 3,5 năm.

Tin bài liên quan