Với sự tham dự của đại diện các cơ quan như: Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Bảo vệ người tiêu dùng... tọa đàm “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) và Báo Tuổi trẻ tổ chức mới đây đã thẳng thắn nhìn vào thực trạng sản phẩm cà phê bán trên thị trường hiện nay.
Buổi tọa đàm cũng đã giải đáp phần lớn những bức xúc của người tiêu dùng về thực trạng cà phê bẩn từ công bố gây sốc: "Hơn 30% cà phê trên thị trường chứa rất ít, thậm chí không có caffein" của Vinatas những ngày qua.
10.000 đồng/ly lấy đâu cà phê thật?
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã tiến hành rất nhiều đợt thanh kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu hàng trăm tấn trị giá hàng tỉ đồng.
C49 cho biết, các hành vi vi phạm của các đơn vị chủ yếu là pha trộn ngũ cốc, bắp đậu nành để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhưng khi công bố và trên bao bì sản phẩm luôn ghi là café 100% nguyên chất.
Ít đơn vị nào công bố có thành phần đậu tương. Đây cũng là một hành vi đánh lừa người tiêu dùng.
“Về thực tế trong quá trình kiểm tra của chúng tôi, chúng tôi từng phát hiện một cơ sở sử dụng 100% đậu nành, không có hạt cà phê nào cả nhưng vẫn ghi bao bì là 100% cà phê nguyên chất, cà phê Tây Nguyên đặc sản”, đại diện C49 cho biết.
Ngoài pha trộn bột bắp, bột đậu, theo C49 doanh nghiệp còn sử dụng hương liệu vị cà phê để biến bột ngũ cốc thành cà phê bột, cà phê hòa tan.
Có trường hợp C49 điều tra phát hiện doanh nghiệp sử dụng nhiều đường hóa học như sodium cyclamate để khi rang bắp đậu nành cháy đến độ nào đấy thì họ cho đường này vào. Hoặc tạo độ đắng bằng thuốc kí ninh và rất nhiều loại hóa chất khác.
“Nếu họ dùng những loại hương thực phẩm có công bố tiêu chuẩn đàng hoàng thì không nói gì, nhưng theo tôi biết những loại hương liệu này chưa đủ độ mạnh để tạo độ sánh, độ đặc của cà phê nên đa số họ xài hương mạnh hơn, hương hay mua ở ngoài chợ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng”, đại diện C49 khẳng định.
Theo C49, thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê giả, cà phê không đảm bảo chất lượng nói trên chủ yếu các quán cà phê cóc, cà phê vỉa hè (cà phê dạng 10.000 đồng/ly).
Điều kiện quy chuẩn của Nestle là tất cả các sản phẩm đều có ghi trên bao bì sản xuất là có đậu nành vì đậu nành có thể gây dị ứng, còn việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh.
- Đại diện Nestlé Việt Nam
Chung đánh giá trên, TS. Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ông nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên nên thấy tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.
“Đặc biệt, có nhiều loại cà phê độn sản xuất tại Kon Tum nhưng lại ghi ngoài nhãn mác là ở TP. HCM, không công bố thành phần cụ thể. Tôi hỏi tại sao thì người ta trả lời công bố thành phần sẽ không bán được”, ông Long nói.
Bên cạnh hương liệu, theo cơ quan công an để tăng lợi nhuận nhiều cơ sở sản xuất cà phê còn sử dụng hóa chất, đường hóa học để tăng vị cà phê nhưng vẫn đảm bảo giá thành.
Phần lớn hóa chất, tinh chất sản xuất cà phê giả, cà phê kém chất lượng đều được các đối tượng dễ dàng mua từ các chợ, điều này đặt ra câu hỏi trong vấn đề quản lý mua bán hóa chất.
Nêu quan điểm tại buổi tọa đàm đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: Việc sử dụng hóa chất, các loại phụ gia trái phép để pha chế cà phê thực chất là hành vi sản xuất cà phê giả, kém chất lượng. Đây là hành vi kinh doanh bất chấp quyền lợi người tiêu dùng nhằm mục đích giảm giá thành nhiều nhất và thu được lợi nhuận cao nhất.
Theo vị này, việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng hóa chất đều đã có những văn bản quy định đầy đủ, chi tiết.
Không công bố thành phần vì sợ lộ... bí quyết kinh doanh
Trước thực trạng cà phê bị trộn bột bắp, bột đậu nhưng vẫn quảng cáo bao bì 100% nguyên chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Ở thị trường TP. HCM nói riêng, miền Nam nói chung tiêu thụ rất nhiều cà phê trộn. Nhưng chúng ta sẽ lấy gì làm chuẩn để nói cà phê là cà phê gốc, cà phê nguyên chất.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: Cà phê rang hay đậu rang cơ bản đều giống nhau, đều là ngũ cốc rang xay. Nếu làm đậu rang trong một cơ sở sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại tọa đàm
Còn việc các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang rồi tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đây lại là hành vi gian lận thương mại.
Trước thực trạng gian lận thương mại, “treo đầu dê bán thịt chó” trong ngành cà phê, ông Bùi Huy Hiệu (Giám đốc tiếp thị của Công ty Mê Trang) thừa nhận: “Các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng phải trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch, công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn”.
Trong khi đó bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng: Ở thị trường Việt Nam, lưu ý là người tiêu dùng có rất nhiều khẩu vị cà phê khác nhau. Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó, Nestlé Việt Nam có cả sản phẩm cà phê độn và cà phê nguyên chất 100%.
"Các sản phẩm giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng phải trộn như thế nào thì tất nhiên mình phải minh bạch, công bố trên bao bì và phải định nghĩa thế nào là bẩn."
- Ông Bùi Huy Hiệu, Giám đốc tiếp thị của Công ty Mê Trang
Khẳng định sản phẩm cà phê có đậu rang nhưng việc công bố tỷ lệ %, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết: “Điều kiện quy chuẩn của Nestle là tất cả các sản phẩm đều có ghi trên bao bì sản xuất là có đậu nành vì đậu nành có thể gây dị ứng và trong quá trình sản xuất có thể bị lẫn đậu nành vào sản phẩm. Còn việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm thì sẽ lộ bí quyết kinh doanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi luôn đảm bảo công bố cụ thể thông tin đó.
Tuy nhiên khi đưa ra thông tin trên bao bì thì chúng tôi chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính và những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì chúng tôi không ghi lên vì đó là hành động bảo vệ thông tin bảo mật về thành phần sản phẩm”.
Trước trả lời của đại diện Nestlé Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phản ứng: Công khai thành phần phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự công bố theo Luật An toàn thực phẩm.
“Trong đó nếu anh đã thông bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết. Tại sao vẫn là chất này nhưng không sản xuất ra sản phẩm như thế, đó mới là bí quyết. Chứ bí quyết không phải là 12% - 13% đậu nành, chúng ta phải hết sức lưu ý vấn đề này”, ông Huy nói.
Trước thực trạng trên, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam(Vinastas) đã kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra để hạn chế tối đa, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Đồng thời Vinastas đề xuất các hộ sản xuất cà phê, các công ty chế biến và kinh doanh cà phê, đặc biệt các công ty hàng đầu ở Việt Nam như Vinacafe, Trung Nguyên, Nescafe, G7, Phúc Long, các công ty nước ngoài... gia nhập thành viên của CLB “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng” để cung cấp những sản phẩm cà phê tin cậy vì người tiêu dùng.
Sự vắng mặt đáng tiếc của Trung Nguyên
Nắm giữ đến 80% thị phần cà phê rang xay (theo Euromonitor năm 2012), tuy nhiên Trung Nguyên lại vắng mặt tại buổi toạn đàm "Cà phê bẩn – Thực trạng và giải pháp".
Ghi nhận ý kiến của rất nhiều khách mời tham dự buổi toạn đàm cho thấy, họ rất muốn nghe quan điểm của Trung Nguyên về vấn đề minh bạch chất lượng cà phê Việt hiện nay trước thực trạng cà phê bẩn bủa vây.
Người tiêu dùng phản ánh, họ đọc được trên bao bì thành phần một số sản phẩm cà phê của Trung Nguyên có chứa hàm lượng đậu nành, như vậy có thể gọi cà phê Trung Nguyên là cà phê nguyên chất hay không?
Đơn cử là sản phẩm Cà phê S (Chinh phục). Trên bao bì thể hiện có 2% là đậu nành, giá 48.900 đồng/500gr. "Như vậy 1kg Cà phê S chưa đến 100.000 đồng. Trong khi giá cà phê nhân đã là 50.000 đồng/kg. Nếu tính toàn bộ chi phí từ sản xuất từ khâu đầu đến khi đóng gói, đưa ra thị trường, doanh nghiệp phải bán ra với giá gấp 3 lần thì mới có lãi. Từ đó, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi cho Trung Nguyên về vấn đề minh bạch quy trình sản xuất Cà phê S và một số sản phẩm cà phê tương tự.