Dấu ấn Samsung
Khi số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 được công bố, với tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,46%, 9 tháng ước đạt 6,41%, các câu hỏi bắt đầu được đặt ra rằng, đâu là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh như vậy. Và một trong những câu trả lời được khẳng định, đó là nhờ Samsung.
Trong ba “bệ đỡ” của tăng trưởng, là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa, thì Samsung đóng góp tới hai.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng tới 12,8% - mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua. Và nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất của ngành này tăng đột biến, trước tiên là nhờ Samsung.
Thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu đã tăng mạnh trong quý III, với mức tăng 45,5%. Quý I, ngành này chỉ tăng 5,9%; còn quý II, tăng 23,5%. Tương tự, sản xuất tivi cũng đã tăng 31,6% so với cùng kỳ.
“Có mức tăng này chủ yếu là do Tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao, với doanh thu dự kiến ngành điện tử cả năm 2017 đạt 1.188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Tổ hợp SEHC đi vào hoạt động đã đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: S.S
Cuối năm ngoái, Samsung đã “sảy chân” với Galaxy Note 7, khiến kinh tế Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này tăng cao trong quý II và quý III, là đúng vào thời điểm Samsung tập trung sản xuất và tung ra thị trường các dòng sản phẩm Galaxy S8 và Galaxy Note8, được thị trường toàn cầu đón nhận. Sản xuất tivi tăng mạnh như vậy cũng là vì tổ hợp SEHC của Samsung trong TP.HCM tăng cường sản xuất, đặc biệt với các dòng tivi có giá trị cao như QLED.
Samsung sản xuất lớn, xuất khẩu nhiều, nên đã góp phần quan trọng đẩy kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng qua ước đạt 154 tỷ USD, tăng tới 19,8% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3 lần so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong đó, chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã ước đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; xuất khẩu đồ điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn cho các con số này là Samsung.
“Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu tính theo tháng của Việt Nam có thể đạt tới trên 19 tỷ USD trong hai tháng 8 và 9. Thời điểm này, Samsung tăng cường xuất khẩu Galaxy Note8”, ông Lâm nói.
Thông tin cho biết, Samsung đã đặt kế hoạch xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm nay. Song nhiều khả năng, con số có thể sẽ lên tới 55 tỷ USD, thậm chí cao hơn, nếu như hai dòng sản phẩm đỉnh cao của Samsung là Galaxy S8 và Galaxy Note8 bán chạy.
Mà điều này có vẻ là hiện thực, khi mà những thông tin gần đây cho biết, lượng bán ra của hai dòng sản phẩm này đang tăng mạnh. Galaxy Note8 chỉ mới vừa được mở bán, nhưng tính đến ngày 18/9 đã có 1 triệu sản phẩm được bán ra tại Hàn Quốc. Còn ở Việt Nam, tính đến ngày 28/9, lượng đặt hàng trước đã lên tới 40.000 chiếc.
Lượng đặt hàng lớn thì Samsung sẽ tăng cường sản xuất và xuất khẩu, tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.
FDI “thúc” tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Không chỉ Samsung, một trong những “ông lớn” FDI khác được nhắc đến khi Tổng cục Thống kê lý giải vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt phá trong quý III/2017, đó là Formosa.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, sản xuất kim loại trong 9 tháng đầu năm 2017 cũng đã tăng 21,4%, trong đó có sự đóng góp của Formosa. Tuy Khu liên hợp sản xuất thép Formosa (Hà Tĩnh) mới đi vào sản xuất, song dự kiến trong năm 2017, đại dự án này sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô, với doanh thu 16.850 tỷ đồng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, nếu như Samsung và Formosa được lý giải là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP quý III đột phá, thì khu vực FDI nói chung lâu nay đã có đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Chỉ nói riêng về xuất khẩu, 9 tháng đầu năm nay, khu vực này đã đóng góp 110,8 tỷ USD, tăng 21%, bằng gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là mức đóng góp rất đáng ghi nhận, song lại cũng vì tỷ lệ đóng góp quá lớn này mà đã và sẽ có nhiều quan điểm của các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào FDI. Và rằng, xu hướng FDI hóa nền kinh tế là điều cần được cảnh báo.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, phải có những đánh giá toàn diện và chính xác về những đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế Việt Nam. “Thay vì ‘kéo’ FDI xuống, chúng ta phải thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước mạnh lên, khi ấy kinh tế Việt Nam sẽ mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Có cùng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, bây giờ không phải là lúc nói cần hay không cần FDI nữa, bởi thực tế đã chứng minh điều đó; mà quan trọng là hiện tại khu vực FDI đang mạnh hơn khu vực trong nước, phải làm sao để khu vực tư nhân Việt Nam cũng mạnh lên tương ứng.
“Tổng kết 30 năm thu hút FDI, phải làm rõ điều này. Nhiều chuyên gia cảnh báo những hệ lụy của FDI, đúng là có những vấn đề liên quan đến chuyển giá, đến tác động lan tỏa còn chưa như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn ít, nhưng cần đánh giá đúng về những đóng góp của khu vực này cho kinh tế - xã hội Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.