“Ông lớn” FDI sẽ lên sàn?

0:00 / 0:00
0:00
Thông tin Công ty C.P Việt Nam muốn được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam lại làm “nóng” lên câu chuyện kéo doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “lên sàn”.
“Ông lớn” FDI sẽ lên sàn?

Thêm “hàng ngon” cho thị trường

Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Việt Nam khi thông báo lên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cho biết, Hội đồng Quản trị của CPF trong phiên họp ngày 22/4 đã chấp thuận cho C.P Việt Nam được đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông thiểu số. Khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan, C.P Việt Nam sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Dễ hiểu vì sao lại như vậy, bởi C.P Việt Nam là một trong những “ông lớn” FDI tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, C.P Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020.

Theo xếp hạng của Vietnam Report, năm 2021, C.P Việt Nam vẫn giữ ngôi “quán quân” trên thị trường thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, ở mảng chăn nuôi và thực phẩm, gồm thịt lợn và thịt gà, C.P cũng đang nắm giữ thị phần lớn.

Nếu cổ phiếu của một doanh nghiệp tỷ USD như C.P được niêm yết trên sàn thì sẽ có thêm “hàng ngon” cho thị trường.

Trước C.P Việt Nam, tháng 11 năm ngoái, tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, “ông lớn” bán lẻ Nhật Bản là AEON cũng đề cập kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đại gia này bắt đầu đầu tư tại Việt Nam từ năm 2014 và liên tục mở rộng hệ thống các trung tâm thương mại tại Việt Nam. Giống C.P Việt Nam, nếu cổ phiếu của AEON được niêm yết, sẽ góp phần quan trọng nâng tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Chỉ có 8 công ty FDI đang giao dịch trên sàn

Tính đến thời điểm này, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có 34.815 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 422,84 tỷ USD. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp FDI đã niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói chính xác, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới có 11 doanh nghiệp FDI chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và niêm yết. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 công ty FDI đang giao dịch trên sàn chứng khoán, 3 công ty đã huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ. Vốn hóa doanh nghiệp FDI cũng chỉ chiếm khoảng 0,3% thị trường.

Trong các doanh nghiệp FDI đã lên sàn, đáng chú ý có Công ty Dây và Cáp điện Taya Việt Nam; Công ty Thực phẩm Quốc tế; Công ty Công nghiệp gốm sứ Taicera; Công ty Siam Brothers; Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia...

Cuối năm ngoái, khi đưa ra báo cáo về nhóm các doanh nghiệp FDI lên sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, 7/10 doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch thường xuyên có lãi qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, 3/10 doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (mã cổ phiếu RIC) là một trong những công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Năm 2021, theo báo cáo tài chính vừa được HĐQT Hoàng Gia gửi tới các cổ đông, Hoàng Gia lỗ trước thuế tới 4,48 triệu USD (tương đương hơn 102 tỷ đồng).

Như vậy, Hoàng Gia đã có năm thứ 3 liên tiếp kinh doanh thua lỗ, thậm chí năm 2022 cũng tiếp tục thua lỗ. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, Hoàng Gia đã đặt mục tiêu... chỉ lỗ 1,58 triệu USD.

Trên thực tế, Hoàng Gia đã kinh doanh bết bát nhiều năm. Kể từ năm 2016 tới nay, chỉ có năm 2018 là Công ty báo cáo kinh doanh có lãi, còn lại, năm nào cũng lỗ.

Trong khi đó, Công ty Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã cổ phiếu TYA) năm 2021 đạt doanh thu 2.127 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 162 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 62 tỷ đồng.

Còn Công ty cổ phần Công nghiệp gốm sứ Teicera (mã cổ phiếu TCR) đạt doanh thu 994 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 169,89 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,574 tỷ đồng trong năm ngoái; Công ty Siam Brothers Việt Nam (mã chứng khoán SBV) đạt doanh thu 522 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 166 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 62 tỷ đồng.

Trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm đến việc niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có cơ chế, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng chuyển thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Các doanh nghiệp FDI được chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán gồm Dây và Cáp điện Taya Việt Nam - niêm yết năm 2005, Gạch men Chang Yih (2006), Thực phẩm Quốc tế (2006), Full Power (2006), Công nghiệp Tung Kuang (2006), Công nghiệp Gốm sứ Taicera (2006), Quốc tế Hoàng Gia (2007), Mirae (2008), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (2008), Everpia (2010), Siam Brothers Việt Nam (2017).

Đa phần các công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán dựa trên quy định của Nghị định số 38/2003/NĐ-CP, cho phép một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi hình thức sang hoạt động từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, đồng thời cho phép các công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kể từ đó đến nay, thiếu vắng các hướng dẫn để doanh nghiệp FDI có để chuyển đổi hình thức và niêm yết trên sàn chứng khoán, cho dù các ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc mở đường cho các doanh nghiệp FDI “lên sàn”.

Tin bài liên quan