Sự cố sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM từ lúc 12h45 ngày 12/4/2024 đến 18h30 ngày 21/4/2024.
Do ảnh hưởng sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, các đoàn tàu từ hai hướng không thể lưu thông qua khu vực và phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và ga Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Trong khi chờ đợi thông hầm đường sắt Bãi Gió, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện chuyển tải hành khách và hàng hóa bằng phương tiện đường bộ đảm bảo an toàn, thuận lợi cho hành khách.
Cụ thể, các tàu đi từ phía Nam ra phải dừng ở ga Giã ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và các tàu đi từ phía Bắc vào phải dừng ở ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Hành khách và hành lý đi kèm sẽ được chuyển tải bằng xe ô tô qua khu vực nói trên để tiếp tục hành trình bằng đường sắt.
Theo thống kê, trong vòng 10 ngày xảy ra sự cố hầm Bãi Gió đã khiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thiệt hại 50,458 tỷ đồng, trong đó chi phí tham gia khắc phục sự cố là 3,659 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố là 18,767 tỷ đồng; thiệt hại giảm doanh thu ảnh hưởng từ sự cố là 28 tỷ đồng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của sự cố kéo dài, nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục của Tổng công ty bị giảm, chưa hồi phục trở lại được như trước khi sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ GTVT ưu tiên bố trí nguồn lực cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt bằng việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.
Khi các dự án này hoàn thành năng lực thông qua của tuyến sẽ được nâng cao, rút ngắn thời gian chạy tàu và giảm được nhiều điểm xóc lắc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt. Các dự án này đã được triển khai từ năm 2019 và hiện nay vẫn đang trong giai đoạn triển khai.
Trong quá trình thi công các dự án trên, hoạt động vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn do năng lực chạy tàu giảm sút, thời gian chạy tàu kéo dài.
Theo tính toán, số tiền giảm doanh thu do bị ảnh hưởng phong tỏa, chạy chậm phục vụ thi công và các chi phí liên quan đến vận dụng đầu máy, kéo dài thời gian quay vòng toa xe ước tính hơn 200 tỷ/năm.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sự cố hầm Bãi Gió và công tác thi công các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Để hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, giảm khó khăn để tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khách hàng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính xem xét tiếp tục chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tại Thông tư số 44/TT-BTC/2023 cho đến khi hoàn thành toàn bộ các Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM.
Được biết, tại Thông tư số 44/TT – BTC/2023 của Bộ Tài chính về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, đối với lĩnh vực vận tải đường sắt, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được giảm 50% mức thu phí quy định tại Điều 3 Thông tư số 295/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.