“Ông lớn” chây ỳ tiến độ dự án lẫn hạ tầng xã hội

“Ông lớn” chây ỳ tiến độ dự án lẫn hạ tầng xã hội

(ĐTCK) Hàng loạt “ông lớn” bất động sản (BĐS) vừa bị Sở Xây dựng Hà Nội “điểm mặt” vì chậm tiến độ và chây ỳ xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội trong đợt kiểm tra, rà soát lần 1.

>> Hà Nội "điểm mặt" hàng loạt dự án chậm tiến độ, thiếu hạ tầng

Đại gia Piaggio “dính phốt” 2 dự án lớn

Trong số 15 dự án khu đô thị, nhà ở được rà soát đợt này, có tới hai dự án BĐS của Công ty TNHH BĐS Xuân Cầu, một doanh nghiệp nổi tiếng với việc phân phối thương hiệu xe Piaggio tại Việt Nam, đồng thời cũng là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS sinh thái lớn, tại nhiều tỉnh thành.

Đó là Dự án Khu biệt thự nhà vườn thể thao và giải trí Tiến Xuân và Dự án Khu biệt thự và nhà vườn sinh thái Yên Bình, đều nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội.

“Ông lớn” chây ỳ tiến độ dự án lẫn hạ tầng xã hội ảnh 1

Nam An Khánh, một trong những dự án đình đám trong danh sách rà soát đợt 1 của Sở Xây dựng Hà Nội

Tại Dự án Tiến Xuân, có quy mô 45 héc-ta, trong đó đất ở và đất vườn chiếm 23 héc-ta, tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), được khởi công từ tháng 5/2007, đã giải phóng mặt bằng được 100% và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2014. Tuy nhiên, kết luận rà soát của Sở Xây dựng cho thấy, Dự án đang bị chậm tiến độ. Cụ thể, hiện Dự án mới hoàn thành hệ thống hạ tầng tại khu A và khu B, khu C mới san nền được một phần. Tỷ lệ xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án mới đạt được khoảng 60%. Việc triển khai xây dựng đến nay mới được 44/90 căn biệt thự tại khu A. Trong khi khu B với 180 căn nhà vườn chưa triển khai, khu C cũng chưa được đầu tư.

Còn tại Dự án Yên Bình, theo Giấy chứng nhận đầu tư, với quy mô 6,4 héc-ta, Dự án được khởi công vào quý II/2008 và sẽ hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, dự án này mới được tiến hành san nền một phần, còn hầu hết các công trình trên dự án đều chưa được chủ đầu tư triển khai xây dựng.

“Công ty TNHH BĐS Xuân Cầu vẫn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và công trình công cộng tại dự án. Trong khi đó, các công trình nhà ở cũng chưa được doanh nghiệp tiến hành đầu tư”, báo cáo đánh giá của Sở Xây dựng nêu rõ.

 

HANHUD la liệt dự án chậm tiến độ, thiếu hạ tầng

Trong danh sách 15 dự án khu đô thị được Sở Xây dựng Hà Nội rà soát, CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) gây sốc với 4 dự án lớn... chậm tiến độ, thiếu nhiều hạ tầng xã hội. Trong đó, có dự án đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng nhiều hạng mục tại dự án chưa được chủ đầu tư triển khai.

Cụ thể, tại Dự án Khu đô thị Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai), được đầu tư xây dựng từ năm 2002 đến năm 2007, rộng 23,6 héc-ta, trong đó có một phần diện tích không nhỏ được dành để xây dựng trường học, công viên, bãi đỗ xe. Hiện, nhiều hạng mục dự án đã được chủ đầu tư bàn giao và đưa vào sử dụng, nhưng nhiều công trình xã hội do các nhà đầu tư cấp 2 thực hiện đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng

Tại Dự án Khu đô thị Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), với quy mô 19,8 héc-ta, phần hạ tầng xã hội và công trình công cộng (gồm trên 7.000 m2 trường tiểu học, 9.000 m2 đất nhà trẻ, 23.000 m2 đất cây xanh…) cũng chưa được chủ đầu tư triển khai.

Hai dự án còn lại của HANHUD cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ nghiêm trọng, là Dự án Bắc Đại Kim - Định Công, quy mô 11 héc-ta, tiến độ xây dựng hạ tầng cho phép thực hiện từ quý IV/2003 đến quý I/2005. Thế nhưng đến nay dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng được 8% tổng diện tích. Và Dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ công chức huyện Thanh Trì, cao 25 tầng, tiến độ thực hiện cho phép từ quý III/2010 đến quý IV/2013. Dự án được thi công đến phần móng thì dừng lại, không biết khi nào mới tiếp tục được triển khai…

Ngoài 2 doanh nghiệp lớn có số lượng dự án chậm tiến độ, thiếu hạ tầng bị nhắc nhở nhiều nhất, trong danh sách 15 dự án rà soát lần này của Sở Xây dựng, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực BĐS cũng được “điểm mặt, chỉ tên”, như:  CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam An Khánh, rộng 234 héc-ta; Liên doanh Berjaya - Handico12, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Hà Nội Garden City; CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Láng Hòa Lạc, rộng 1.500 héc-ta; Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Tiến Xuân, rộng 1.253 héc-ta…