Mảng nông nghiệp Hoà Phát báo lỗ kỷ lục
Quý I/2023, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hoà Phát, do Tập đoàn Hoà Phát nắm giữ 99,99%, ghi nhận doanh thu thuần gần 1.589 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 116,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 55,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ lớn nhất của Công ty kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2015) đến nay.
Phát triển nông nghiệp Hoà Phát hiện có 4 mảng kinh doanh chính, gồm thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò và chăn nuôi gia cầm.
Năm 2020 có thể nói là thời kỳ đỉnh cao của Công ty, với doanh thu hơn 10.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, mảng nông nghiệp của tập đoàn này bắt đầu đi xuống. Năm 2022, doanh thu của Phát triển nông nghiệp Hoà Phát giảm xuống mức hơn 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 22 tỷ đồng.
Từ số vốn đầu tư ban đầu cho nông nghiệp khoảng 300 tỷ đồng (đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi), đến nay, Hòa Phát đã rót vào lĩnh vực này hơn 3.099,9 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng quý I/2023). Tổng tài sản của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát đạt hơn 4.927 tỷ đồng.
Lợi nhuận BAF giảm 95,5%
Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF), doanh nghiệp đang sở hữu 17 công ty con hoạt động chăn nuôi, phát triển trang trại trên địa bàn cả nước và có nhiều công ty liên kết, cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của BAF ghi nhận doanh thu trong kỳ là 817,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,9 tỷ đồng, giảm 46,8% về doanh thu và giảm tới 95,5% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022. Đây là quý Công ty ghi nhận lợi nhuận thấp kỷ lục từ khi đưa cổ phiếu lên niêm yết vào năm 2021 tới nay.
Thực tế, hoạt động kinh doanh chính của BAF thua lỗ 2,9 tỷ đồng trong quý I. Nhờ nguồn thu từ thanh lý tài sản, lợi nhuận sau thuế mới là con số dương. Quý trước đó, Công ty cũng thoát lỗ nhờ động thái tương tự.
BAF cho biết, nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh do giá heo hơi liên tục duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện giá heo hồi phục từ 10 - 15% so với đầu năm. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy tác động tiêu cực ngắn hạn đã qua đi.
Hiện tại, BAF đang tập trung đầu tư vào mảng chăn nuôi heo, với quy mô cung ứng bình quân đạt 280.000 con heo thịt/năm. Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF, chiến lược của Công ty là hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh và chuỗi khép kín 3F. Dù vậy, mô hình khép kín vẫn chưa mang lại hiệu quả cho BAF khi thị trường biến động và giá bán không được như kỳ vọng.
Tại thời điểm cuối quý I/2023, Công ty có khoản vay ngắn hạn 302,7 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm; 1.168,7 tỷ đồng vay dài hạn, tăng 68,6% so với đầu năm. Đây cũng là lý do trong quý I, chi phí lãi vay của BAF tăng đột biến từ khoảng 4 tỷ đồng lên 22,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận mảng thịt lợn của HAG bằng 0
Từ năm 2008, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, con đường “làm nông nghiệp công nghệ cao, quy mô đại công trường” như tham vọng của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đầy trắc trở.
Giai đoạn 2007 - 2012, HAG mạnh tay đầu tư cho cây cao su và cây tràm, đầu tư nhà máy chế biến gỗ và khai thác mủ cao su. Năm 2011, Công ty trồng thêm cây mía và xây dựng nhà máy đường công suất 7.000 tấn/ngày. Năm 2012, HAG tái cấu trúc hoạt động theo hướng đặt trọng tâm vào nông nghiệp, cắt giảm các ngành nghề khác bao gồm bất động sản, xây dựng, khoáng sản, thuỷ điện… Năm 2014, với thế mạnh quỹ đất, HAG đầu tư vào ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa.
Trước những khó khăn trong kinh doanh cao su và chăn nuôi bò không hiệu quả, HAG đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh đặt trọng tâm là sản xuất trái cây. Tuy nhiên, giai đoạn 2018 - 2020, Công ty liên tiếp báo lỗ. Nguyên nhân chính là ngành trồng trọt bị tác động nhiều bởi yếu tố môi trường. Năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 2.351 tỷ đồng trước áp lực của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021, sau khi kết hợp với Thaco, HAG có quý có lãi trở lại. Công ty theo đuổi mô hình chăn nuôi gà chạy bộ ăn chuối và heo ăn chuối, ra mắt sản phẩm vào cuối năm 2022. Cụ thể, mục tiêu của HAG là đến cuối năm 2023 sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà, 1 triệu con heo, đồng thời phát triển mạnh chuỗi Bapi Food với khoảng 1.000 cửa hàng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Công ty chưa có sự cải thiện.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất 2022 đã được kiểm toán, kiểm toán viên nhấn mạnh khoản lỗ luỹ kế 3.341 tỷ đồng và nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.179,5 tỷ đồng. Điều kiện này cùng một số vấn đề khác dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
HAG cho biết, tại thời điểm lập báo cáo, Tập đoàn đã lên kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ và dòng tiền từ các dự án triển khai. Tập đoàn cũng đang làm việc với các bên cho vay nhằm điều chỉnh các điều khoản.
Một số chỉ tiêu tài chính của HAG. |
Báo cáo tài chính quý I/2023 của HAG cho thấy, Công ty ghi nhận doanh thu 1.696,9 tỷ đồng, tăng 111,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 303,3 tỷ đồng, tăng 17,6%. Trong đó, mảng trái cây đóng góp 41,8% cơ cấu doanh thu, đạt 710 tỷ đồng; mảng bán heo ghi nhận doanh thu 563 tỷ đồng, tăng trưởng 190% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, giá vốn bán heo ở mức 561 tỷ đồng, gần bằng doanh thu ghi nhận, dẫn tới biên lợi nhuận gộp của mảng này tụt dốc từ 33% xuống còn xấp xỉ 0%.
Trong thư gửi cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2023, HAG cho biết, giá thịt heo trong nước hiện vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi giá chuối lại duy trì ở mức cao nhất trong năm, nên lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm chủ yếu đến từ chuối.
Tính đến cuối quý I, nợ phải trả của HAG là 15.253 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm và cao gấp 2,86 lần vốn chủ sở hữu của Công ty. Lỗ luỹ kế ghi nhận hơn 3.050 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn công bố không hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Theo kế hoạch, HAG chào bán gần 162 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu (giá thị trường hiện dao động quanh mốc 8.000 đồng/cổ phiếu). Tổng số tiền dự kiến huy động là gần 1.700 tỷ đồng, Tập đoàn sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
DBC, NCG không tránh khỏi thua lỗ
Một số ông lớn ngành nông nghiệp khác cũng đang chật vật trong giai đoạn khó khăn. Quý đầu năm, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) báo lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng, quý trước đó cũng lỗ gần 80 tỷ đồng. DBC được biết đến là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo, gà. Tổng đàn heo của Công ty tính đến đầu năm 2022 là 1 triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000 - 700.000 con/năm.
Ngày 4/5/2023, báo cáo tài chính quý I/2023 hợp nhất chưa kiểm toán của Nova Consumer (NCG), công ty chuyên mảng nông nghiệp, hàng tiêu dùng và bán lẻ của Nova Group cũng lần đầu báo lỗ sau IPO (tháng 3/2022). Cụ thể, dù doanh thu tăng khoảng 15% nhưng NCG lỗ sau thuế 7,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 13 tỷ đồng.