Ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group: Báo chí cần là nguồn tin tin cậy cho doanh nghiệp, độc giả

Ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group: Báo chí cần là nguồn tin tin cậy cho doanh nghiệp, độc giả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận diện và ứng phó với luồng thông tin gây nhiễu, tin giả đang là vấn đề được nhiều độc giả, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.

Là người thường xuyên góp tiếng nói về nạn tin giả, tin gây nhiễu, ông có thể chia sẻ một số dấu hiệu để nhận diện một thông tin dạng này?

Nguồn phát tán tin giả thường từ các website, trang cá nhân trên mạng xã hội. Thậm chí, có những loại nguồn thường xuyên phát tán tin giả, tin thất thiệt như vậy. Tin giả là vấn nạn ngày càng gia tăng, có ở khắp mọi nơi và ngày càng tinh vi. Ngay cả các nguồn tin đáng tin cậy, kể cả báo chí đôi khi cũng vô tình bị đăng tải lại tin giả, nên việc nhận diện là không dễ.

Tuy nhiên, vẫn có mấy nguyên tắc để nhận biết về tin giả như: nguồn tin xuất phát từ nơi không xác tín, nguồn tin lạ, hoặc thông tin chỉ từ một nguồn duy nhất và không xuất hiện ở các nguồn tin khác cũng có khả năng cao là tin giả.

Theo quan sát của ông, nhóm thông tin nào thường bị làm giả, làm nhiễu?

Ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group

Ông Lê Quốc Vinh, CEO Le Group

Thông tin bị làm giả, làm nhiễu thường là thông tin về tranh chấp quyền lợi của doanh nghiệp với các đối tượng liên quan như tranh chấp với người dân sở tại, với khách hàng…, hay các nguồn tin về bí mật hoạt động kinh doanh.

Thông tin về câu chuyện đầu tư của các lãnh đạo của doanh nghiệp cũng hay bị làm giả, làm nhiễu một cách khó kiểm soát.

Với nhóm này, tin giả thường sẽ phục vụ cho lợi ích một bên, thường chỉ đưa ý kiến một chiều và gạt bỏ ý kiến của các bên liên quan khác. Đó là dấu hiệu nhận biết khá rõ.

Với cộng đồng nhà đầu tư như trên thị trường chứng khoán hay bất động sản, việc xuất hiện các thông tin sai lệch có ảnh hưởng như thế nào?

Khá điển hình là việc làm giả văn bản với mục tiêu muốn thao túng thông tin. Ví dụ làm giả giấy tờ, văn bản để vùi dập dự án, vùi dập đối thủ cạnh tranh, gây tác hại lớn cho doanh nghiệp, khách hàng và các bên liên quan.

Thậm chí, cả khi tin giả đứng về phía doanh nghiệp cũng không tốt, vì đây là thông tin không chuẩn xác, làm méo mó cách nhìn của khách hàng về doanh nghiệp.

Tin giả đang phổ biến trên các mạng xã hội. Theo ông, vì sao, tin giả có đất sống như vậy?

Thực ra, tin giả có cơ hội phát triển, có đất sống vì phần lớn chúng ta sống trong định kiến. Trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi và nhiều người chịu ảnh hưởng từ nó, người ta hay bị cảm tính, dễ tin vào những thông tin có vẻ phù hợp với định kiến của mình, bất chấp việc nó có chuẩn xác hay không.

Thuật toán của mạng xã hội tạo ra các cộng đồng bó hẹp xung quanh mỗi người. Người dùng sẽ thường nhìn thấy những thông tin mà họ quan tâm, tìm kiếm hoặc từ những nguồn tin mà người dùng hay tương tác. Do vậy, nhiều khi người dùng sẽ chỉ nhìn thấy thông tin một chiều và tin theo nó.

Cần phải nhấn mạnh rằng, không phải vì người dùng không thông minh, mà bởi mạng xã hội hay mang đến cho họ những thông tin tương tự, gần với mối quan tâm nên vô hình trung tước bỏ các loại thông tin trái chiều.

Nếu chúng ta chỉ thường xuyên xem một loại nguồn tin thì mạng xã hội sẽ “bố trí” để chúng ta chỉ nhìn thấy những loại nguồn tin tương tự, che khuất đi những nguồn tin phản biện.

Để “tự vệ” trước thông tin giả trên không gian mạng, người dùng cần làm gì?

Đặc tính của mạng xã hội là các thuật toán chỉ kết nối với những điều mà ta quan tâm. Với công nghệ học máy đọc vị thói quen và hành vi, quan điểm của mỗi con người nên khá dễ thao túng thông tin, nên khi lên mạng chúng ta cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó quan sát và có nhận định cho riêng mình. Nếu chúng ta có thói quen nhìn nhận mọi việc đa chiều thì rất khó bị thao túng thông tin.

Để đánh giá chất lượng tin tức, chúng ta cần phải thực hiện kiểm tra chéo từ nhiều nguồn tin khác.

Ví dụ, có thể kiểm tra từ nguồn tin quốc tế, từ các hãng thường có tin chuẩn xác như The New York Times, Reuters, Bloomberg, AP,… hay trong nước thì có thông tin từ các nguồn như Cổng thông tin Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam... Riêng về thông tin doanh nghiệp thì phải tìm từ các báo kinh doanh uy tín.

Người dùng mạng xã hội cần tìm đến nguồn tin có độ tin cậy cao, như cơ quan báo chí chính thống, xem có đăng tải các thông tin đó không và kiểm tra chéo.

Tóm lại, người dùng vẫn cần tìm đến nguồn tin có độ tin cậy cao, như cơ quan báo chí chính thống xem có đăng tải các thông tin này không và kiểm tra chéo. Với một luồng thông tin mà nó phục vụ cho đối tượng phía bên kia của cuộc tranh chấp, thì phải tìm hiểu thông tin từ cơ quan quản lý, đối tác để xác minh tính chính xác của thông tin, vụ việc.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, người tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội nên luôn có tâm thế kiểm tra chéo thông tin, với các thông tin bất thường đừng vội vã chia sẻ và phải kiểm tra lại.

Theo ông, với trường hợp doanh nghiệp đang phải đối mặt với tin giả, tin nhiễu, biện pháp ứng xử nào là hiệu quả?

Nếu thông tin giả xuất hiện với doanh nghiệp, thì có thể thông qua truyền thông để chia sẻ, làm đối tượng liên quan, cộng đồng, cơ quản quản lý hiểu chân tướng vấn đề.

Phải “giải độc” tin giả bằng cách chủ động đưa thông tin của mình lên. Có thể thông qua nhiều hình thức để thể hiện cái nhìn đa chiều, góc nhìn khách quan, trung lập về thông tin trước đó để “giải độc” dần.

Chúng ta vẫn hay nói với nhau rằng, một sự việc sai nghe một lần thì thấy sai, hai lần nghi ngờ và lâu ngày có khi lại thấy đúng. Vậy, với tình trạng thông tin giả, cần phải có giải pháp căn cơ nào để chấm dứt một cách nhanh chóng, tránh việc tồn tại lâu và gây ra những hệ lụy cho xã hội?

Tin giả, tin mang tính câu khách, câu view rất dễ lan truyền. Một người tung tin có thể chưa tin, nhưng nhiều người chia sẻ sẽ nhiều người tin nên tin giả bị tung ra phải ngăn chặn ngay lập tức. Tuy nhiên, không nên lạm dụng biện pháp hành chính như một số doanh nghiệp đang làm.

Muốn “giải độc” phải đưa ra thông tin cải chính, chứng minh được điều gì là đúng. Doanh nghiệp phải chủ động, tích cực và minh bạch để thuyết phục cộng đồng. Thậm chí, nếu cần can thiệp về pháp luật thì cũng phải làm. Tuy nhiên, trên thực tế, người Việt khá e ngại các câu chuyện liên quan đến pháp lý, thị phi nên tin giả, tin gây nhiễu vẫn có hội phát triển.

Như ông đã nói, minh bạch thông tin là một trong các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của tin giả, tin nhái. Ông đánh giá gì về minh bạch thông tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp?

Doanh nghiệp chưa làm tốt việc minh bạch thông tin vì họ sợ đây là con dao hai lưỡi, có thể làm mình “đứt tay”. Đến nay, việc minh bạch thông tin được các công ty niêm yết thực thi tốt hơn bởi họ phải tuân thủ quy định về công bố thông tin. Còn với các doanh nghiệp chưa niêm yết thì chưa có áp lực minh bạch nên các doanh nghiệp vẫn coi nhẹ việc này.

Minh bạch không có nghĩa là đưa ra tất cả thông tin mình có, mà là sẵn sàng đối thoại, đưa ra bằng chứng, số liệu, sự thật liên quan đến vấn đề đang xảy ra, sẵn sàng tham gia vào truyền thông, đối thoại với báo chí, cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan.

Trong cuộc chiến với tin giả, bảo vệ sự thật, ông có gửi gắm gì với các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ người làm báo?

Báo chí là cơ quan trung gian chuyển tải thông tin đến cộng đồng, do đó, cơ quan báo chí phải đảm bảo tính khách quan, thông tin đa chiều về mỗi vấn đề, sự kiện. Trước một sự việc, vấn đề, phải có thông tin phản hồi của các bên liên quan. Thậm chí, có thể đi sâu khai thác, đẩy mạnh điều tra để tìm hiểu sự việc, lý lẽ của mỗi bên một cách cặn kẽ nhất, với tác phong chuyên nghiệp.

Báo chí cần trở thành nguồn tin tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tin bài liên quan